Chương 1: Cô ta là người hay là ma
Tôi tên là Cổ Tiểu Yên.
Tôi vẫn luôn không thích cái tên này, tôi cảm thấy hơi khó nghe, chủ yếu là nghe có vẻ nam tính quá, do đó, có dạo tôi đã từng oán trách trình độ văn hóa có hạn của bố mẹ, ai lại đăt tên cho con gái như vậy. Tôi nghĩ, nếu như chuyển “Yên” thành “Yến” hoặc “Nhiên”, mặc dù đọc lên có vẻ cũng gần giống nhau, nhưng khi viết thì trông đẹp mắt hơn rất nhiều.
Về sau, tôi nghe bà nội nói, cái tên “Cổ Tiểu Yên” này chính là do bà đặt, hơn nữa còn có nguồn gốc. Lúc đó, vừa nghe bà nói vậy, tôi vô cùng hào hứng, tưởng rằng có màu sắc thần kỳ gì trong đó, ai ngờ, hỏi một thôi một hồi mới biết, chẳng có thứ thần kỳ gì cả, thậm chí còn hơi tà ma nữa chứ.
Bà nội nói, tôi sinh ra vào mùa đông.
Mùa đông năm đó trời vô cùng lạnh giá, gió rét căm căm, thổi rát vào mặt còn đau hơn dao cứa. Nói khoa trương hơn một chút, nhổ một bãi nước bọt ra ngoài cửa, lập tức đóng băng. Suốt mấy ngày liền, tuyết bay ngập trời nhưng kỳ lạ thay khi mẹ tôi chuẩn bị lâm bồn, tuyết đột nhiên dừng lại.
Buổi tối hôm đó, trong thôn mất điện, cộng với giá rét, cho nên mọi người trong thôn vừa ăn tối xong đã đi ngủ ngay. Cả thôn xóm yên tĩnh một cách lạ kỳ, yên tĩnh đến độ không bình thường. Không có tiếng trẻ nhỏ kêu khóc, không có tiếng các bà vợ thì thầm to nhỏ bên tai chồng, ngay cả lũ gia súc cũng không kêu, như thể tất cả đã ra hiệu ngầm với nhau. Giữa trời và đất, một bầu không khí tĩnh mịch, chỉ có tiếng kêu gào thảm thiết như xé gan xé ruột của mẹ tôi vang lên cô độc, lan tỏa giữa bầu trời đêm vắng lặng. Tiếng kêu bắt đầu từ lúc màn đêm buông xuống cho đến tận khi phương động ửng hồng, cuối cùng trở thành tiếng kêu than khản đặc, tiếng kêu đó nghe hơi rờn rợn, không những làm cho người dân trong thôn cả đêm không ngủ được mà còn khiến cho cha tôi ruột gan rối bời, đứng ngồi không yên, giống như kiến trên chảo nóng.
Tiếng kêu của mẹ khiến bà nội rất buồn bực. Bà cho rằng mẹ đã quá khoa trương, cũng chỉ là sinh một đứa trẻ thôi mà, làm gì đến nỗi dở sống dở chết. Bà là người từng trải, sinh tám người con, nhưng cuối cùng có tới bảy người không thể nuôi được, do đó bố tôi là hạt giống duy nhất.
Khi trời vừa sáng, trên bầu trời đột nhiên vang lên một tiếng nổ thật to, không giống như tiếng sấm, mà giống như có thứ gì đó đang đổ sụp giữa vũ trụ vậy. Bà nội sợ hãi giật nảy mình, vội vàng mở cửa sau ra xem, trên bầu trời không có gì lạ, nhưng ngọn núi phía sau nhà lại bốc lên đám khói đen. Đám khói đó càng lúc càng dày, cũng càng lúc càng đen, một loáng đã bao trùm toàn bộ quả núi, nửa bầu trời bỗng chốc tối sầm lại.
Cha cũng nhìn thấy. Ý nghĩ đầu tiên của ông là có người đang đốt núi.
Nhưng trời lạnh như vậy, ai lại đi đốt núi? Hơn nữa, ở nơi đám khói đen dày đặc đó không hề nhìn thấy dấu vết của lửa.
Bà nội nhìn đám khói dày đặc đó, liên tưởng đến âm thanh vang dội khi nãy, vẻ mặt bần thần, lầm bầm một câu:
- Đứa trẻ này chắc không phải là yêu quái đầu thai chứ?
Bố tôi là một người khá mê tín, nên tin ngay. Ông nhớ đến lời mẹ tôi từng nói với ông, lúc đó tôi ở trong bụng mẹ đã nhúc nhích quá mạnh, khiến mẹ nghi ngờ rằng mình đang mang thai một con rắn. Nghĩ đến đây, bố lập tức chạy vào nhà bếp xách một con dao thái, đạp cửa phòng, chuẩn bị trừ yêu diệt quái.
Đúng lúc đó, “Oe…oe”, tiếng khóc của đứa bé mới chào đời đã thay thế tiếng kêu gào thảm thiết của mẹ.
Tôi đã được sinh ra.
Con dao mà cha đang cầm trong tay rơi “keng” một tiếng xuống nền đất, cha ngẩn người cười.
Nói ra cũng lạ, tiếng khóc của tôi vừa vang lên, đám khói đen đó liền lập tức tản ra, thoắt cái đã biến mất không để lại chút dấu vết gì.
Bà nội nhìn lướt qua tôi đang khóc oe oe trên tay bố, lạnh lùng nói một câu:
-Thế thì gọi nó là Tiểu Yên đi.
Trước khi tôi sinh ra, cha mẹ vẫn luôn hy vọng là một đứa bé trai. Thế nên khi biết tôi là con gái, ít nhiều cũng khiến họ thất vọng một chút. Tuy vậy, sự thất vọng này nhanh chóng được thay thế bởi niềm vui của những người vừa mới được làm cha làm mẹ. Bố rất thích ôm tôi vào lòng, cọ cọ bộ râu ram ráp khắp mặt chọc tôi cười ngặt nghẽo. Chỉ có bà nội không thích tôi chút nào, bà chưa bao giờ bế tôi, cũng mặt nặng mày nhẹ với mẹ tôi, và không thể nào thoát khỏi được ám ảnh tôi là... “yêu quái đầu thai”.
Thực ra, nguyên nhân chủ yếu chính là, bởi vì tôi là con gái. Người trong thôn quá trọng nam khinh nữ, hồi đó có một câu nói như thế này: “Thà sinh ra một đứa con trai đần độn, cũng còn hơn đứa con gái thông minh” Trong mắt họ, con gái vốn dĩ chính là món đồ phải các thêm tiền.
Riêng cha tôi thì không cho là như vậy. Không phải là ông không có tư tưởng trọng nam khinh nữ, mà là ông đã nghiệm ra được một đạo lý từ trong đám khói đen vào cái ngày tôi sinh ra, từ xa xưa, phàm là những nhân vật lừng lẫy tiếng tăm ra đời, đều xuất hiện một số hiện tượng kỳ lạ, ví dụ như nổi gió, sấm sét, khói lửa ngút trời... nên bố tôi cho rằng, đám khói đó chính là đã ám thị rằng, tôi không giống với người khác, sau này chắc chắn sẽ làm nên một sự nghiệp lớn vang dội, có thể làm rạng danh tổ tông.
Năm tôi lên hai, mẹ tôi lại có mang, cuối cùng trên mặt bà nội cũng xuất hiện nụ cười, hàng ngày đều thắp hương cầu Phật, cầu xin Bồ tát phù hộ để mẹ sinh một đứa bé trai, nhưng do mẹ gặp sự cố nên bị sảy thai, hơn nữa sau này cũng không thể sinh sản được nữa. Giấc mộng được bế cháu trai của bà nội bỗng chốc bị sụp đổ hoàn toàn, cho nên, từ đó bà bắt đầu yêu thương tôi, không bao giờ còn nói tôi là yêu quái đầu thai nữa.
Còn nhớ năm tôi bốn tuổi, bà nội dẫn tôi đi thăm nhà em trai bà cách đó rất xa, phải vượt qua một ngọn núi mới đến. Bà nội khen tôi ngoan, đi quãng đường xa như thế mà không bắt bà cõng. Ngọn núi đó có một cái tên nghe rất đáng sợ: “Câu Hồn Nha”.
Có một truyền thuyết về Câu Hồn Nha như sau.
Ngày xửa ngày xưa, có một kẻ nuôi vịt xấu xa, chuyên dụ dỗ trẻ em đem bán, khi gặp những đứa trẻ không dụ dỗ được, tên nuôi vịt bèn cắt tai của đứa bé, băm nhỏ cho vịt ăn, cho nên vịt nhà hắn ta rất béo mập. Sự việc này cuối cùng cũng làm cho Ngọc Hoàng đại đế nổi giận lôi đình, ra lệnh cho Thiên Lôi đánh chết hắn, rồi vứt hắn lên trên một phiến đá cao nhất.
Đương nhiên, truyền thuyết vẫn chỉ là truyền thuyết, không thể chứng thực được, nhưng trên phiến đá đó lại in rõ một hình người. Năm tháng trôi qua, gió thổi mưa dầm, nhưng hình người đó giống như đã khắc chặt lên phiến đá, không hề bị nhòa đi. Sau đó có một số người muốn đến gần để xem rõ ngọn ngành, đều lần lượt biến mất một cách kỳ lạ hoặc là bạo bệnh mà chết. Từ đó không ai dám lại gần nơi đó nữa, đều nói đó là một phiến đá câu hồn.
Tôi mải miết đi theo bà nội, lúc mệt thì nghĩ, rồi lại đi, đã đến được chân núi, thấp thoáng có thể nhìn thấy thôn trang của em trai bà nội thì tình cờ gặp ngay một người thầy bói phía trước. Ông ta khoảng chừng hơn 50 tuổi, trông khuôn mặt rất hung dữ, hơi giống thần canh cửa, trên mặt có một vết sẹo rất dài, trông ngoằn ngoèo xấu xí giống như con rết. Lúc đầu, bà nội không biết ông ta là thầy bói. Hơi sợ, bà lo lắng ông ta chính là kẻ xấu, vội kéo tôi bước thật nhanh.
Ông thầy bói gọi bà nội lại:
- Vị đại thẩm này...
Bà nội dừng bước, giấu tôi ra phía sau lưng theo bản năng, hỏi ông ta đầy cảnh giác:
- Ông muốn gì?
Đôi mắt ông ta cứ nhìn chằm chằm vào tôi:
- Đứa trẻ này...
Bà nội lập tức giữ chặt tôi hơn, nhìn xung quanh, rồi ngắt lời ông ta bằng một cái giọng không được mạnh bạo cho lắm:
- Ông đừng có mà có ý đồ gì với cháu gái tôi đấy, chỉ cần tôi hét lên, người dưới núi đều có thể nghe thấy đấy.
Thầy bói nghe bà nội nói vậy, bật cười thành tiếng. Vết sẹo trên mặt ông ta theo nụ cười càng trở nên ngoằn ngoèo uốn éo, dưới ánh sáng mặt trời, trông vô cùng nhức mắt. Ông ta nói:
- Đại thẩm yên tâm, tôi không phải là kẻ xấu, tôi là người xem bói, chỉ là tôi cảm thấy đứa bé này...
Bà nội vẫn không hề lơ là cảnh giác, nhìn ông ta từ đầu đến chân:
- Bộ ông nói ông là thầy bói thì tôi tin ngay sao?
Ông ta ngừng cười, ngắm nghía bà nội một hồi, sau đó nói:
- Nếu như tôi đoán không nhầm, chồng của đại thẩm đã qua đời mười tám năm trước, hơn nữa rất ly kỳ, cũng rất đáng sợ, đúng không?
Bà nội ngẩn người một lát... Ông ta nói không sai, ông nội đúng là đột ngột qua đời cách đây mười tám năm, cái chết của ông đến giờ vẫn còn là một bí mật vô cùng đáng sợ, việc này đợi lát nữa tôi sẽ từ từ kể cho các bạn nghe.
Thầy bói không chú ý đến phản ứng của bà nội, mà nhìn tôi với vẻ suy ngẫm:
- Đứa bé này... số mạng có kiếp nạn.
Bà nội nhìn tôi, hơi hoảng hốt:
- Số mạng có kiếp nạn? Kiếp nạn gì vậy?
Ông thầy bói cố tình làm ra vẻ thâm sâu huyền bí, nói:
- Việc này... tôi không thể nói.
Bà nội hiểu đạo lý này, mỗi một ngành nghề đều có điều cấm kỵ riêng, đặc biệt là nghề xem bói, gọi là “thiên cơ bất khả lộ”. Lúc này bà nội đã tin chắc rằng cái người có tướng mạo giống như thổ phỉ đang đứng trước mặt đây chính là thầy bói, thế nên bà hỏi ông ta đầy căng thẳng:
- Thế có cách gì để hóa giải được không?
Ông ta không trả lời bà, lại chằm chằm ngắm nghía tôi hồi lâu, cất tiếng hỏi:
- Phía sau nhà bà có phải là có một cái giếng bị bịt kín rồi không?
Bà nội thoáng rùng mình:
- Đúng...!
Thầy bói nói:
- Hãy nhớ, cho dù có xảy ra chuyện gì, đều không được mở ra.
Bà nội ngẩn người nói:
- Vậy thì... bịt nó lại có tác dụng gì không? Giọng bà hơi run rẩy, trán toát đầy mồ hôi lạnh, bởi vì cái giếng đó đã được mở ra sau khi mẹ mang thai tôi không lâu.
Ông ta trầm từ một hồi, thở hắt ra:
- Có một số việc là do trời định, ai có thể đấu lại với trời đây? Các người phải cẩn thận hơn nữa.
Nói xong, ông ta quay người bước đi, để lại bà nội với khuôn mặt kinh hãi.
Đi được mấy bước, ông ta dừng lại, nhìn tôi, thật không ngờ trong mắt hiện ra chút thương xót, giống như là hạ quyết tâm lớn, nói với bà nội:
- Nếu bà hy vọng nó không có chuyện gì, vậy thì đừng để nó rời khỏi nơi chôn nhau cắt rốn, hy vọng như vậy sẽ có tác dụng.
Sau đó, ông ta bước nhanh về phía trước, không quay đầu lại nữa.
Không biết từ đâu truyền tới mấy tiếng kêu gào của lũ quạ, nghe rất khó chịu, giống như lạ những con vịt bị bóp chặt cổ. Tôi bất giác nhìn về hướng Câu Hồn Nha, nhưng chẳng nhìn thấy gì cả, hòn đá câu hồn đã bị những cây cao rậm rạp che khuất.
Bà nội ngẩn người hồi lâu, suy ngẫm về lời nói của thầy bói. Bất giác bà rùng mình một cái, trên mặt hiện lên nỗi sợ hãi tột cùng, kéo tôi đi ngược trở lại.
Tôi ngẩng mặt lên, hỏi bà:
- Bà nội ơi, chúng ta không đến nhà ông nữa sao ạ?
Bà nội nói:
- Không đi nữa, chúng ta về nhà thôi. Tiểu Yên ngoan, nào, bà nội cõng.
Lúc đó bà nội đi rất vội, dường như phía sau lưng đang có thứ gì đuổi theo vậy. Suốt dọc đường, bà không hề nghỉ, cõng tôi một lèo về đến tận nhà.
Khi trở về đến nhà thì trời đã tối, trong thôn lại mất điện, khoảng thời gian đó cũng chẳng hiểu vì sao, cứ liên tục mất điện. Mẹ ngồi dưới ngọn đèn dầu đan áo len, bố đang đan một cái bồ. Bà nội còn không kịp thở lấy hơi, đã kể cho bố mẹ nghe sự việc xảy ra trên đường.
Mẹ ôm tôi vào lòng:
- Không phải chứ, Tiểu Yên nhà chúng ta có thể có kiếp nạn gì chứ?
Bố nói vẻ không tin:
- Lời thầy bói nói chả có câu nào đúng cả, chỉ có lừa bịp người khác.
Bà nội nói:
- Con đừng nói vậy, bố con mắt năm nào ông ta còn nói chính xác ra được.
Bố dừng tay, châm một điếu thuốc:
- hế thì có gì chứ? Có thể ông ta quen biết bố con cũng không chừng, hoặc là nghe người khác nói, năm đó bố con mất một cách ly kỳ bí hiểm thế, ai không biết chứ?
- Đã bao nhiêu năm trôi qua, mọi người đã quên từ lâu rồi, ông ta nói... chúng ta không được mở cái giếng đó.
- Mẹ thấy đấy, những lời này rõ ràng là hù dọa người khác. Cái ông thầy bói lần trước nói gì nhỉ, nếu chúng ta mở cái giếng đấy ra, thì Tú Oanh mới giữ được đứa trẻ trong bụng. Còn bây giờ người này lại nói không được mở giếng ra... Thế đấy, con coi như đã hiểu cả rồi, sẽ chẳng bao giờ tin những lời nói nhảm của bọn họ nữa, đúng là một lũ nói cuội! Con cứ không tin Tiểu Yên rời khỏi đây sẽ xảy ra chuyện gì ngoài ý muốn.
- Con có còn nhớ trên khói đen khi Tiểu Yên vừa mới sinh ra không? Còn cả âm thanh vang dội đó nữa, giống như thể trời sắp sụp xuống vậy.
Vừa nhắc đến điều này, bố đã thấy hào hứng, đá cái bồ vừa đan được một nửa sang một bên, đón lấy tôi từ trong lòng mẹ, cắn nhẹ vào má tôi một cái, cười nói:
- Điều này chứng tỏ Tiểu Yên nhà chúng ta sẽ không giống với những đứa trẻ khác, nói không chừng sau này còn là nữ trạng nguyên cơ đấy, có phải không nào, Tiểu Yên?
Bà nội uống một ngụm nước, ánh mắt bỗng nhìn xa xăm, dưới ánh đèn dầu lúc mờ lúc tỏ, khuôn mặt bà trông rất mơ hồ. Hồi lâu sau, bà thở dài một tiếng:
- Cái giếng đó không thể mở ra... Từ lúc Tiểu Yên sinh ra, mẹ đã cảm nhận thấy... cái người phụ nữ đó... cô ta... cô ta đã thoát ra ngoài...
Bên ngoài trời nổi gió, làm cho những tờ giấy dầu dán ở cửa sổ kêu lạo xạo. Không biết chó nhà ai đột nhiên sủa ầm lên, tiếp đó, chó trong khắp thôn đều bị tỉnh giấc, giữa đêm khuya thanh vắng, đột nhiên trở nên huyên náo và căng thẳng.
Nghe bà nội nói, hồi trẻ ông làm nghề chiếu phim, nhà ai sinh con, xây nhà mới, dựng vợ gả chồng, đều mời ông nội đến để chiếu phim, nhưng cũng không phải nhà nào có việc vui đều mời đến, phần lớn mọi người đều không nỡ bỏ tiền ra, cho nên, những gia đình mời ông nội đến chiếu phim đều là những nhà tương đối giàu có.
Một ngày nọ, vừa vặn trong thôn nhà em trai bà nội có một hộ gia đình vừa mới sinh con trai, do đường khá xa, cộng thêm tối hôm trước vừa mới đổ một trận mưa rào, đường núi rất khó đi, cho nên ông nội vừa ăn cơm trưa xong đã khởi hành, đến nhà em trai bà nội thì vừa vặn gặp bữa cơm tối.
Hôm đó, ông nội khi vừa mới tỉnh giấc đã cảm thấy có gì khang khác, dường như có thứ gì đó đang làm phiền ông, cụ thể là gì, thì ông không thể nói rõ được, suốt cả một ngày cứ bồn chồn lo lắng, thấp tha thấp thỏm.
Sau khi chiếu phim xong, bà mợ làm mấy món ăn, ông nội và ông cậu, hai người đàn ông nói chuyện trên trời dưới biển. Khi ăn uống nửa chừng, thứ cảm giác bất an đó càng lúc càng mạnh, lẽ nào tối nay lại xảy ra chuyện gì?
Ông nội không thể ngồi thêm được nữa, không nghe theo lời khuyên của ông cậu và bà mợ, cứ nhất định đòi trở về nhà giữa đêm khuya.
Bà mợ thấy không giữ được, vội vàng cầm chiếc đèn pin trong phòng chạy đuổi theo ra ngoài:
- Anh Thanh Sơn, đường tối lắm, anh hãy cầm chiếc đèn pin này đi. Mà anh có cần mặc thêm áo không? Buổi tối trời lạnh lắm.
- Không cần đâu!
Ông nội cầm đèn pin, cảm ơn bà mợ, lao mình vào giữa màn đêm đen.
Ông bắt buộc phải đi qua con đường núi gập ghềnh, âm u đáng sợ - Câu Hồn Nha!
Trên trời không có sao, mặt trăng hình lưỡi liền cũng trốn ở phía sau đám mây mất rồi. Màn đêm đen đến độ hơi khác thường.
Ánh sáng của đèn pin rất yếu, xem ra sắp hết pin rồi. Ông nội hơi buồn bực, lúc ra khỏi nhà, sao lại không để ý kiểm tra pin chứ?
Ông lấy tay đập đập vào chiếc đèn, ánh sáng dường như sáng hơn một chút, nhưng chỉ được một thoáng nó lại nhanh chóng yếu đi, soi xuống con đường núi gập ghềnh khúc khuỷu, lầy lội vô cùng, trông giống như một cái xác chết đang dần dần bị phân hủy.
Bốn bề quá tĩnh lặng. ngay cả hơi thở của động vật cũng không hề nghe thấy, cũng không có lấy một gợn gió, tất cả đều giống như đã chết vậy. Những tín hiệu này khiến cho con người ta cảm thấy nguy hiểm và bất an. Trong đêm tối, dường như có vô số những vị khách không mời mà đến này. Những đôi mắt đỏ, chắc chắn không phải là mắt người.
Ngoài ông nội, ở đây không có một ai, và cũng sẽ không có một ai nữa cả, ai lại có gan đi một mình giữa đêm hôm khuya khoắt trên con đường núi âm u đầy cây cối này. Trong bóng đêm luôn luôn ẩn giấu những thứ mê hoặc và đáng sợ mà ta không thể biết trước.
Lẽ nào ông nội không sợ sao?
Đương nhiên là ông sợ. Truyền thuyết về phiến đá câu hồn đó, còn có cả những câu chuyện ma quỷ mà một số người lớn bịa ra để dọa trẻ con, từ nhỏ đã ăn sâu vào tận xương tủy của ông. Vì thế, nếu như không phải vì cái cảm giác bất an tồi tệ đó, ông nội chắc chắn không dám đi đến đây lúc nửa đêm. Theo như lời kể của ông nội với bà nội lúc trở về nhà, ông đã nói thế này: “Tôi không thể nào hình dung được nỗi sợ hãi của tôi lúc đó, luôn cảm thấy có một thứ gì đó đang bám sát theo tôi...”
Đúng vậy, ông nội từ đầu đã cảm nhận thấy cái thứ đó luôn đi sát theo ông nhưng khi ông quay đầu lại nhìn, thì chẳng thấy gì cả. Tuy thế, khi mắt ông nhìn xuống đường, khóe mắt lại có thể liếc nhìn thấy nó.
Ông nội đột nhiên buồn đi tiểu, nhưng ông không dám dừng lại, càng không có dũng khí để quay trở lại con đường cũ, đành phải liều mình bước thật nhanh, nhưng vẫn không thể nào thoát được nó. Để tự trấn an mình, ông nội ho khan vài tiếng, bắt đầu ngân nga những bài hát rừng núi, nhưng ông mới ngân nga được mấy câu đã phải dừng ngay lại, bởi vì ông phát hiện ra cái thứ bên cạnh mình dường như cũng ngân nga theo, dù không ra nhạc điệu, mang âm hưởng như tiếng vọng đáng sợ ở trong hang động. Ông nội càng sợ hãi hơn, đôi chân bắt đầu mềm nhũn.
Dù vậy, ông cứ mải miết đi. Chợt ông đứng sững lại, ông nghe thấy tiếng sợi dây quấn chặt trong cơ thể đứt phựt, cũng tỉnh rượu luôn, ngay cả cơn mót tiểu ban nãy cũng biến mất tăm.
Ở phìa trước không xa, có một thứ màu trắng đang nằm giữa đường.
Ông nội nghe rõ thấy hơi thở gấp gáp của mình nơi yết hầu, ông nhìn chằm chằm vào mớ hỗn độn màu đỏ, nhìn chăm chú hồi lâu, nó không hề nhúc nhích.
Nó là cái gì?
Chắc chắn không phải là một cục đá.
Một lúc sau, ông nội cầm đèn pin lên soi. Hồn phách của ông xém chút nữa đã bay đi mất, mặc dù ánh sáng của đèn pin rất yếu, nhưng ông nội vừa nhìn là đã nhận ra ngay, nằm ở phía trước chính là một người phụ nữ, cô ta mặc một chiếc áo sơ mi trắng, trên áo dính đầy máu, hòa lẫn với bùn lấy bẩn thỉu, mái tóc đen dài chất đống lại, phủ kín khuôn mặt cô.
Vào giữa đêm hôm khuya khoắt như thế này, trên con đường núi, đặc biệt là ở Câu Hồn Nha, có một người phụ nữ toàn thân máu me nằm ở đây, sao có thể không khiến con người ta kinh hãi hoảng sợ được chứ?
Ông nội không kịp suy nghĩ xem cô ta là người hay là ma, quay người nhấc chân chạy thục mạng về phía sau.
Đúng lúc đó, người phụ nữ kia đột nhiên phát ra tiếng kêu khe khẽ. Thứ âm thanh đó giống như một loại ma lực, bỗng chốc xuyên thấu vào trái tim ông nội, giữ chặt chân ông lại.
Ông nội dừng lại bên cạnh cô ta, ngồi xổm xuống, lấy hết dũng khí, run rẩy vén mớ tóc đen đó ra.
Không hề đáng sợ như trong tưởng tượng, khuôn mặt đó mặc dù rất bẩn, còn dính vết máu, nhưng vẫn không thể che khuất được vẻ đẹp vốn có của cô gái.
Ông nội thở phào, đưa tay xuống dưới mũi cô ta thăm dò.
Cô ta lại phát ra một tiếng rên, lần này âm thanh càng khẽ hơn, đầu lông mày thoáng cử động.
Ông nội không nghĩ gì nhiều, vội võng cô ta lên lưng.
Chính trong khoảnh khắc này, ông nội đột nhiên không cảm thấy sợ hãi nữa, cảm giác bất an đã giày vò ông suốt một ngày cũng đột nhiên biến mất. Có lẽ, tất cả những sự bất an chỉ là vì gặp người phụ nữ này. Mặc dù không rõ lai lịch của cô ta, không biết cô ta rốt cuộc là người hay là ma, nhưng tất cả những thứ này đối với ông nội đã không còn quan trọng nữa rồi.
Ánh sáng đèn pin càng lúc càng yếu, rồi tia sáng cuối cùng cũng bị màn đêm nuốt chửng. Không biết con vật nào ở trong rừng sâu khẽ kêu mấy tiếng, nhưng lập tức im bặt, dường như sợ kinh động đến điều gì đó.
Trăng trên trời không hề ló ra khỏi đám mây. Trong đêm tối mịt mùng, một người đàn ông cõng một người phụ nữ toàn thân đầm đìa máu me...
Đêm nay, được định sẵn là một đêm lạ thường.
Khi ông nội vừa ra khỏi nhà bà mợ, mí mắt bà nội liền bắt đầu nháy liên tục, nháy đến độ bà cảm thấy lòng dạ bồn chồn không yên. Bà ra khỏi giường châm ngọn đèn dầu, xé một miếng giấy đỏ, nhấm chút nước bọt, dính vào mí mắt phải, ai ngờ không những không có tác dụng, mà ngược lại, mí mắt càng nháy nhiều hơn. Bà buồn bực, lấy miếng giấy ra khỏi mí mắt, nghĩ đến câu nói vẫn được truyền miệng: “Mí trái nháy có tiền, mí phải nháy có họa”, trong lòng bất giác giật nảy mình, chắc không phải là sắp xảy ra chuyện gì chứ?
Bà lại nằm xuống giường, nhưng không thể nào ngủ được. Ông nội mỗi lần đi chiếu phim đều không trở về ngay. Tuy nhiên, trước đây, bà chưa bao giờ có cảm giác không ổn. Thế mà giờ đây, bà sâu sắc cảm nhận thấy một thứ áp lực khó mà chịu đựng được đang đè nặng trong lòng. Bà nín thở, nghiêng tai chú ý lắng nghe.
Chẳng có thứ âm thanh gì cả. Giữa đất trời, một khoảng yên lặng đến rợn người.
Hôm nay làm sao vậy nhỉ?
Bà thổi tắt đèn dầu, trở người, đắp chăn, nhắm mắt lại.
Đột nhiên, bà chợt co rúm người lại, mở to đôi mắt. Bà cảm nhận rõ nét rằng lúc này đây, trong chính căn phòng này, có thêm một thứ gì đó mà bà không nhìn thấy, và thứ đó đang từ từ, từ từ tiếp cận bà. Nó dừng ở trước giường, chính là dừng ngay ở vị trí trên đầu bà, bà thậm chí có thể cảm thấy hơi thở nặng nề của nó. Toàn thân bà nội như tê dại, dường như mất đi tri giác, nằm im không thể nào nhúc nhích được.
Đúng lúc đó, bác gái đang nằm ngủ say bên cạnh chợt gào khóc oa oa. Tiếng khóc kinh thiên động địa đã xé rách đêm khuya tĩnh mịch, và cũng đã lấy lại được hồn phách của bà nội, lúc này bà mới phát hiện ra toàn thân mình đầm đìa mồ hôi lạnh. Bà vội vàng ôm bác gái vào lòng, vén áo lên, nhét một đầu ti vào miệng con, nhưng đứa bé không bú, dùng đôi tay bé xíu đẩy mạnh bà nội ra, vẫn cứ khóc ngặt nghẽo. Bà nội đành phải ngồi bật dậy, châm đèn dầu, ôm con đi qua đi lại trong phòng.
Hồi đó, bác gái vẫn còn bé, vừa mới tròn một tuổi, còn chưa biết gọi bố mẹ, nghe bà nội nói, bác gái thường ngày rất ngoan, thậm chí không mấy khi gào khóc, bà nội nhìn con, phát hiện ra bộ dạng của đứa bé trông rất kỳ lạ, giống như đang kinh hãi điều gì đó, hai bàn tay nhỏ cứ loạng quạng giơ giữa không trung, gào khóc đến xé gan xé phổi.
Bác gái gào khóc khiến bà nội trong lòng vừa xót xa đau đớn vừa vô cùng hoảng loạn, nhưng lại chẳng có cách nào cả, có dỗ thế nào cũng không được, cứ khóc mãi cho đến lúc khóc không thành tiếng nữa, đứa trẻ mới ngủ thiếp đi, nhưng cơ thể cứ thỉnh thoảng lại co giật.
Bà nội đột nhiên nghĩ đến lúc ban đầu trong phòng này có thêm “thứ đó”, bà rùng mình một cái.
Lẽ nào...bác gái cũng cảm nhận thấy “thứ đó”, cho nên mới khóc dữ dội đến như thế?
Bà nội mở to mắt, hoảng sợ nhìn xung quanh, ngoài cái bóng của bà đang bế con hiện lên trên tường, chẳng có gì nữa cả.
Bà nội không biết, chính trong lúc bác gái đột nhiên gào khóc, cũng là lúc ông nội phát hiện ra người phụ nữ đó ở Câu Hồn Nha.
Đêm nay dường như dài hơn những đêm khác, đèn dầu thắp suốt cả đêm, con tim bà nội cũng treo lơ lửng suốt một đêm. Sau khi bác gái ngủ, mí mắt bà lại bắt đầu nháy liên hồi, không lúc nào dừng lại. Sau cảm giác sợ hãi, là đến cảm giác bất an, từ đầu đến cuối bà không hề nghĩ đến ông nội. Không phải là vì bà không có tình cảm với ông nội, mà là vì tình cảm quá sâu đậm, đến nỗi bà không dám liên kết thứ dự cảm không lành vô cớ này với ông nội. Bà thất thần nhìn ra bầu trời đêm đen đặc bên ngoài cửa sổ.
"Có lẽ là mình quá mẫn cảm, có lẽ là mình đã bị ảo giác, có lẽ là chẳng có chuyện gì". Bà tự trấn an mình như vậy.
Bà vừa mới nhắm mắt lại, bên ngoài đã vang lên những tiếng gõ cửa gấp gáp. Vừa nghe thấy giọng ông nội, bà bỗng chốc cảm thấy yên tâm hơn, nhưng sau đó bà lại bồn chồn.
Trời còn chưa sáng, sao đột nhiên ông nội lại về lúc này chứ? Chẳng lẽ lại xảy ra chuyện thật?
Bà nội xách đèn dầu bước nhanh ra mở cửa.
Khi bà nhìn thấy ông nội cõng một người phụ nữ tóc tai rũ rượi, toàn thân đầy máu, bà sợ hãi lùi lại, con tim đập liên hồi như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, hỏi đầy hãi hùng:
- Việc này... việc này là thế nào đây?
- Hãy đóng cửa lại đã.
Ông nội cõng người phụ nữ đó đến thẳng một gian phòng khác, gian phòng này vốn là của cụ ông cụ bà, từ sau khi họ lần lượt qua đời, căn phòng vẫn để không. Sau khi cẩn thận đặt cô ta lên giường, ông nội ngồi bịch xuống ghế, thở dốc:
- Làm... làm cho tôi mệt chết đi được.
- Cô ta là ai?
Bà nội nhấc chiếc đèn dầu lên trên bàn, nhìn người phụ nữ đó. Cô ta trông có vẻ rất trẻ, chắc chỉ khoảng hơn hai mươi tuổi, mặc một chiếc áo sơ mi nam, trên áo dính đầy máu và bùn đất, có chỗ bị xé rách, lộ ra làn da trắng ngần, phía dưới mặc một chiếc quần đen, vô cùng bẩn thỉu, một bàn chân để trần, không biết giày đã bị rơi ở đâu. Toàn cơ thể...
- Không biết, nhặt được trên đường. Ông nội nói tỉnh bơ, giống như nhặt được một chiếc ô vậy.
- Nhặt được ở trên đường?... Mắt bà nội trợn trừng... Anh không quen cô ta?
Ông nội đứng dậy:
- Ừ, mình kiểm tra giúp cô ta xem, có lẽ cô ta bị thương không nhẹ đâu. Tôi phải đi vệ sinh cái đã, buồn tiểu nhịn gần chết.
Bà nội còn định nói gì đó, nhưng ông nội đã đi ra ngoài rồi. Bà nhìn chằm chằm người phụ nữ đó hồi lâu, mới từ từ bước đến ngồi xuống giường. Cô gái toàn thân đầy máu đó khiến bà cảm thấy lo sợ, bà không biết ông nội đã “nhặt” cô ta như thế nào, cũng không biết vì sao ông nội phải “nhặt” cô ta về, nhưng vấn đề này đã không còn quan trọng nữa rồi, đã nhặt về thì phải xem người ta bị thương ra sao chứ.
Khi bà nội vừa chạm tay vào làn da cô ta, lập tức rụt ngay lại giống như bị điện giật, bà phát hiện ra toàn thân cô ta lạnh buốt không có chút nhiệt độ ấm cơ thể nào.
Cô ta không phải đã chết rồi chứ?
Bà nội run rẩy đặt tay xuống phía dưới mũi cô ta, hình như vẫn còn chút hơi thở. Thế là, bà nghiến chặt răng, giơ tay về phía chiếc cúc áo sơ mi của cô ta, cởi áo cho cô ta.
Thế nhưng bà nội cảm thấy vô cùng kinh ngạc. Trên thân thể cô ta hoàn toàn không hề có thương tích gì, thậm chí không có một vết bầm dập nào. Rõ ràng, vết máu trên áo sơ mi không phải là của cô ta.
Bà nội chợt nảy ra một ý nghĩ đáng sợ: có phải là cô ta đã giết người rồi không?
Vừa nghĩ đến điều này, da đầu bà nội như tê dại, bà còn chưa kịp định thần lại, người phụ nữ đó đột nhiên ngồi thẳng dậy, mở mắt chăm chú nhìn bà, ánh mắt lạnh lùng, trăng trắng, không có bất cứ màu sắc gì, rõ ràng là đôi mắt của người chết.
Đúng lúc đó, “oa” một tiếng, bác gái ở gian phòng đối diện lại lần nữa gào khóc.
Trái tim của bà nội giống như bị một vật nhọn cắm phập vào. Khi nhìn lại người phụ nữ đó, đôi mắt của cô ta đã nhắm chặt lại, vẫn giữ nguyên tư thế ban đầu, nằm yên không nhúc nhích ở đó.
Lẽ nào lại là ảo giác?
Bà nội cảm thấy rất mơ hồ.
Khi bà nội quay về phòng, bác gái đã không còn khóc nữa, đang nói bi ba bi bô trong lòng ông nội, vừa nhìn thấy mẹ, bèn giơ bàn tay bé xíu ra đòi bế.
Bà nội đón lấy bác gái từ tay ông nội, thơm lên má con. Mắt bác gái vừa đỏ vừa sưng, nước mắt trên mặt vẫn chưa khô. Bà nội phát hiện ra trong ánh mắt bé khi nhìn bà có một thứ gì đó rất kỳ lạ, đó là điều trước đây chưa từng có, bà nhất thời không thể hiểu nổi.
Ông nội cởi áo nằm xuống giường, hỏi:
- Cô ta sao rồi?
Bà nội có vẻ không vui, con gái khóc thành ra thế này mà ông chẳng hỏi có chuyện gì, lại quan tâm đến người phụ nữ mới nhặt về. Bà nội lườm ông một cái, ôm bác gái nằm xuống, vén áo lên cho con bú.
- Trên người cô ta không có vết thương, chẳng có một vết thương nào cả.
- Không phải chứ? Không có một vết thương nào? Thế sao trên áo cô ta có nhiều máu thế?
- Sao mà em biết được chứ? Người chẳng phải là do anh đem về sao?... Bà nội nói vẻ giận dỗi... Anh đã phát hiện ra cô ta ở đâu vậy?
- Ở lưng chừng núi Câu Hồn Nha... Anh thấy cô ta hôn mê bất tỉnh, bèn cõng cô ta về đây.
Bà nội giật thót. Một người phụ nữ toàn thân đầy máu giữa đêm khuya khoắt hôn mê ở lưng chừng núi Câu Hồn Nha, nghĩ đến đã khiến người ta phải nổi da gà. Nhưng sau đó bà lại cảm thấy nghi ngờ đối với lời nói của ông, bởi vì bình thường khi đi chiếu phim, ông không bao giờ trở về giữa đêm, bà nghi ngờ ông có mối quan hệ với người phụ nữ đó. Bà hỏi:
- Anh nói thật cho em biết, có phải anh quen với người phụ nữ đó không?
- Có trời đất làm chứng, thực sự không quen biết.
- Thế tại sao muộn thế anh đột nhiên lại quay về?
- Nhớ mình...
Ông nội nói dối, nhưng lại có tác dụng rất lớn. Bà nội vừa nghe xong lập tức không tức giận nữa. Bà nói:
- Anh Thanh Sơn, sáng mai anh lập tức đưa cô ta trở về đi!
- Trở về đâu? Anh có biết nhà cô ta ở đâu đâu?
- Vậy anh nhặt được cô ta ở đâu thì đưa trở về đấy.
- Thế không được, chúng ta không thể thấy chết mà không cứu.
Nghe vậy, bà nội lại nổi giận:
- Cái gì mà thấy chết mà không cứu? Trên người cô ta không hề bị thương. Hơn nữa, chúng ta vốn chẳng quen biết cô ta, nếu như lúc đó anh gặp một người đàn ông, anh có cõng anh ta về nhà không? Đàn ông đều có cái tính như thế!
- Nói gì thế?
Thực ra bà nội nói không sai, nếu như lúc đó là một người đàn ông, chắc chắn ông nội sẽ mặc kệ.
- Thì vốn là thế mà. Anh thử nghĩ xem, anh không cảm thấy việc này rất kỳ lạ sao? Con gái nhà lành sao đêm hôm khuya khoắt lại xuất hiện ở Câu Hồn Nha? Hơn nữa, người đầy máu, còn mặc áo sơ mi nam giới, có trời mới biết cô ta có phải là đã giết người hay không. Em không muốn chuốc lấy phiền phức. Đợi sáng mai trời sáng, anh phải đưa cô ta đi ngay.
- Thế thì... ít ra cũng phải đợi cô ta tỉnh lại đã chứ, hỏi xem cô ta sống ở đâu, đưa thẳng cô ta về nhà chẳng phải tốt hơn sao?
Bà nội nghĩ một lát rồi nói:
- Cũng được. Nhưng em thấy hơi lạ, cô ta không hề bị thương, tại sao lại hôn mê bất tỉnh chứ?
Thực ra trong lòng ông nội cũng có mối nghi vấn giống như vậy, người là do ông phát hiện ra, ông còn muốn biết đã xảy ra chuyện gì với người phụ nữ đó hơn cả bà nội, nhưng giờ ông không muốn mất công phân tích, dốc sức suốt cả một đêm, ông quá mệt rồi nên chỉ muốn ngủ một giấc thật say. Ông trở người, lầm bầm:
- Không nói nữa, anh buồn ngủ lắm, đợi cô ta tỉnh dậy, mình hãy hỏi cô ta.
Bà nội không nói nữa, luôn cảm thấy sự việc này rất kỳ lạ, thậm chí có thể nói là kỳ dị, từ trước đến giờ bà chưa bao giờ xuất hiện ảo giác, nhưng tối hôm nay dường như có gì đó không được ổn, còn cả bác gái... không hề có điềm báo trước, bà nội bất chợt nhận ra thứ kỳ lạ trong mắt bác gái lúc ban đầu, là... nỗi sợ hãi!
Thật không ngờ lại có thể nhìn thấy nỗi sợ hãi trong ánh mắt của một đứa trẻ mới tròn một tuổi!
- Anh Thanh Sơn! Bà nội gọi, lay lay ông nội.
- Gì?” Ông nội mơ màng trả lời.
- Tối nay con bé nhà mình hơi khác thường, hình như nó rất sợ hãi, hay là ngày mai đưa nó đi khám?
Ông nội không đáp lời, mũi phát ra hơi thở nhè nhẹ, ông đã ngủ say rồi.
Gà đã gáy mấy lượt, bình minh đã lặng lẽ đến rồi.
Khi người phụ nữ đó tỉnh dậy, đã là buổi chiều. Bà nội đun nước cho cô ta tắm gội, rồi lại tìm một bộ quần áo sạch sẽ để cô ta thay. Sau khi tắm gội sạch sẽ, bà nội phát hiện ra cô ta tuyệt đẹp, lông mày thanh tú, mắt to tròn, bên dưới chiếc mũi thon là đôi môi mỏng khiến ai cũng xót xa, trông thật dịu hiền yếu đuối, một người đẹp cổ điển như từ trong tranh bước ra, con ngươi mắt trong như nước, làn da trắng như tuyết.
Một người phụ nữ đẹp nhường này lại càng khiến bà nội cảm thấy bất an, không biết bởi vì đố kỵ vẻ đẹp của cô ta hay là cô ta tạo cho người khác thứ cảm giác rất không chân thực. Hơn nữa, từ khi tỉnh lại đến giời, cô không hề nói một tiếng nào. Đôi môi mỏng của cô dường như chỉ là để có đầy đủ các nét trên khuôn mặt vậy. Thần sắc đờ đẫn, cứ ngẩn người nhìn về một chỗ, nhưng cơ thể của cô ta đã nói cho bà nội biết, cô ta có tâm sự vô cùng phức tạp.
Nhìn kìa, mười ngón tay đan chặt vào nhau, cho thấy tâm trạng căng thẳng và hoảng loạn. Điều quan trọng nhất là, qua toàn bộ khí chất của cô, dường như cô không thuộc về nơi này, cũng không thuộc về thời đại này, cô trông giống một đại tiểu thư trong thời kỳ Dân quốc. Trên người toát ra nét cao quý và yêu kiều rất tự nhiên không thể nào che giấu được. Cũng có lẽ bởi vì ông nội đã nhìn thấy cô ở Câu Hồn Nha, cộng thêm toàn thân bê bết máu, cho nên bà nội luôn cảm thấy cô không bình thường, thậm chí còn có chút tà khí, chắc chắn cô đang che giấu một bí mật không thể lộ cho người khác biết.
Đến bữa tối, bà nội đưa mắt ra hiệu cho ông nội, ông giả vờ như không nhìn thấy. Thế là, bà lại giẫm mạnh chân ông một cái ở dưới gầm bàn, ông lúc này mới đặt bát đũa xuống, ho khan mấy tiếng:
- Cô... cô... cô sống ở đâu?
Giọng nói của ông nội thực ra rất khẽ, nhưng hình như đã làm cho cô ta sợ hãi, cô mở to mắt, hoảng hốt nhìn chăm chăm vào ông.
Ông nội nói dịu dàng hơn:
- Cô sống ở đâu?
Nhưng cô vẫn giữ nét mặt đó, giống như một con vật nhỏ đang bị hoảng sợ.
Bà nội lườm ông nội một cái, nói thẳng luôn:
- Chúng tôi định đưa cô về nhà, cô nói...
Bà còn chưa nói xong, cô đã quỳ sụp xuống, ra sức dập đầu lạy bà. Bà nội giật mình, vội vàng đỡ cô đứng dậy:
- Cô làm gì thế? Có gì thì đứng dậy nói, mau, mau, đứng dậy!
Nghe bà nội nói vậy, cô không những không dừng lại, ngược lại, lại dập đầu mạnh hơn, đến nỗi trán cô sưng tấy, nước mắt tuôn rơi lã chả.
Bà nội lập tức mềm lòng, ôm cô vào lòng, vội vàng nói:
- Đừng lạy nữa, em gái ngoan, em sắp làm chị chết yểu đấy, chị không đưa em về nhà nữa, em cứ sống ở đây, coi như đây là nhà của em, ở đến khi nào em nhớ nhà, thì chúng tôi sẽ đưa em về...
Khi bà nội nói những lời này, quả thực có hơi xúc động, sau đó chính bà cũng cảm thấy hối hận, thầm trách mình suốt nhiều ngày sau, nhưng lời nói đã nói ra, còn thân mật gọi người ta là em, dù thế nào cũng không thể nuốt lời nhanh như vậy được, cho nên, người phụ nữ lai lịch không rõ ràng đã ở lại như vậy đấy.
Cô quả thực là lai lịch không rõ ràng, cô không hề nhắc một từ về quá khứ của mình, bao gồm cả việc tại sao tối hôm đó người cô đầy máu me xuất hiện ở Câu Hồn Nha. Cô chỉ nói ông nội và bà nội tên của mình. Cô lật bàn tay ông nội ra, lấy ngón tay viết ba chữ vào lòng bàn tay ông nội: “Đỗ Xảo Nguyệt”.
Đỗ Xảo Nguyệt sống ở đây đã hơn hai tháng, trong nhà tự nhiên xuất hiện một cô gái đẹp như hoa như ngọc, đương nhiên khiến cho người khác nghi ngờ, bà nội đành phải nói là bà con họ hàng xa.
Bà lúc đầu hy vọng người nhà của Đỗ Xảo Nguyệt đến tìm cô. Kết quả đã hơn hai tháng trôi qua, cũng chẳng thấy ai đến tìm, như thể cô chẳng có người nhà vậy. Về sau, bà nội cũng không nhắc đến việc đưa cô đi nữa, bởi vì cô thực sự khiến người ta quý mến. Sau khi cô ở lại, cuộc sống của bà nội đã nhẹ nhàng hơn rất nhiều, cô luôn tranh làm việc nhà cho bà, thức khuya dậy sớm, việc gì cũng làm, không hề oán thán. Hơn nữa, bệnh gào khóc vô cớ của bác gái cũng được cô chữa khỏi, không biết cô đã dùng cách nào. Cô ôm em bé vào phòng ngủ của cô, đi một vòng, khi bước ra thì đứa bé đã không còn khóc nữa, không bao giờ khóc nữa. Bà nội hỏi cô đã làm cách nào, cô lắc đầu, mỉm cười và thơm lên má bác gái. Cô cười rất dịu dàng, không hề đáng sợ chút nào, ánh mắt của cô cũng không đờ đẫn nữa, cô đã truyền sự đờ đẫn sang cho bé gái. Sau khi bé được cô chữa trị, đúng là không khóc nữa, nhưng cũng không cười nữa, thậm chí ngay cả tiếng bi ba bi bô củng không nói nữa, bác gái đã bị biến thành một đứa trẻ không bình thường. Thế nhưng, bà nội không hề chú ý đến những điều này, chỉ cần con gái không khóc nữa là bà yên tâm rồi.
Cho nên, bi kịch tất yếu sắp sửa giáng xuống.
Buổi trưa hôm đó, cũng giống như những buổi trưa khác, nếu như nhất định phải nói có gì khác biệt, thì chính là trưa hôm đó ánh mặt trời gay gắt hơn mọi ngày một chút. Bà nội đút bột cho bác gái ăn xong, liền đặt con lên giường ngủ. Đỗ Xảo Nguyệt bê chậu quần áo đi giật, ông nội hôm trước được người ta mời đến thôn khác để chiếu phim, ở thôn đó có hai nhà làm đám cưới, cho nên chiếu liền hai buổi, phải ngày mai mới về được. Bà nội ngồi trên đôn đá ở trước cửa, vừa sưởi nắng, vừa khâu chiếc quần bị bục chỉ, nhưng lại thiếp đi lúc nào không hay.
Bà nội nằm mơ, mơ thấy bác gái khóc, khóc rất dữ dội, bà vội vàng chạy vào trong phòng, nhưng lại không thấy con gái ở trên giường, bà tìm kiếm khắp nơi, nhưng không tài nào tìm thấy, chỉ nghe thấy tiếng khóc rấm rứt vang lên ở chính căn phòng này. Bà nội chăm chú lắng nghe, tìm kiếm nơi phát ra tiếng khóc của bé lại đột nhiên ngừng bặt, rồi ngay sau đó lại vang lên ở phía cửa. Bà chạy ra khỏi cửa theo tiếng khóc, chẳng hiểu sao khung cảnh phía bên ngoài cửa lại biến thành một bãi tha ma, xung quanh toàn là những nấm mộ lớn nhỏ khác nhau, những lá cờ trắng cắm trên nấm mộ giống như là những âm hồn đang nhảy múa. Có một người phụ nữ đang đứng trước nấm mộ bé nhất, cô ta quay lưng lại phía bà nội, mái tóc rất dài, chầm xuống tận đất. Bác gái đang phủ phục trên vai cô ta, vẫy vẫy bàn tay nhỏ xíu về phía bà và khóc ngặt nghẽo. Bà nội lại nhìn thấy sự sợ hãi trong mắt con gái, lao đến ôm lấy bé thì ngón tay đột nhiên cảm thấy đau buốt, bà tỉnh dậy, hóa ra là kim đâm vào ngón tay.
Bà nội đưa ngón tay vào miệng, ngẩng đầu lên nhìn, Đỗ Xảo Nguyệt đang phơi quần áo, ánh nắng chói chang khiến bà nội hơi hoa mắt, bà nhìn tấm lưng cô ta, trong lòng chợt dâng nỗi sợ hãi bèn để chiếc quần lại, chạy vào trong phòng.
Bà chợt ngẩn người, bác gái đúng là không có trên giường.
Khi bà tìm khắp một lượt trong phòng cũng không thấy con gái, bà ấn thật mạnh vào đùi mình, đau quá!
Bà hoảng hồn kinh hãi chạy ra ngoài:
- Xảo Nguyệt, Xảo Nguyệt! Em có nhìn thấy con bé đâu không?
Đỗ Xảo Nguyệt chớp chớp mắt, lắc đầu, tiếp tục phơi quần áo.
Bà nội lại tìm kiếm khắp lượt ở trong phỏng, nhưng vẫn không tìm thấy bác gái, bà nghĩ đến người phụ nữ trong giấc mơ, toàn thân run rẩy.
Lẽ nào con mình thực sự đã bị người ta bắt đi rồi?
Nghĩ đến đây, bà nội ngồi bệt xuống đất, khóc nức nở, không còn biết phải xử trí ra sao nữa.
Đỗ Xảo Nguyệt nghe thấy tiếng khóc của bà, vội vàng chạy vào. Bà túm chặt lấy cô, nói một cách vô vọng:
- Không thấy con bé đâu cả! Không thấy con bé đâu cả! Chị vừa mới chợp mắt một lúc đã không thấy nó đâu nữa...
Đỗ Xảo Nguyệt vỗ vỗ nhẹ lên bàn tay bà nội, ra hiệu là bà đừng quá kích động, nhưng ở trong tình hình này, bà có thể không kích động được sao? Nếu là người khác, thì có kích động hay không?
Bà nội đẩy Đỗ Xảo Nguyệt ra, rồi chạy ra ngoài, vừa chạy vừa hét:
- Con ơi! Con ơi! Con ở đâu...
Đỗ Xảo Nguyệt cũng đi theo ra ngoài.
Cho đến tận khi trời tối họ mới trở về, không thu được kết quả gì, bà nội còn đi đến bãi tha ma phía sau núi tìm khắp một lượt. Bà khóc sưng cả mắt, giọng cũng khàn cả đi.
Đỗ Xảo Nguyệt nấu bữa tối đem lên cho bà nội ăn, bà sao có thể ăn được chứ, cả người bà như sắp sụp đổ, bà bảo cô ta cứ về phòng ngủ trước, bà cần phải nghĩ xem, rốt cuộc đây là chuyện gì, tại sao chỉ mới một lúc mà đã không thấy bác gái đâu?
Bà bắt đầu nghĩ, liệu có phải là có người đang đùa bỡn không, đã giấu bác gái đi? Nhưng ai lại có thể rỗi hơi rảnh việc đến thế...? Cho dù thực sự đùa bỡn, nhìn thấy bà nội lo lắng đến như vậy, trò đùa có lẽ cũng phải kết thúc rồi chứ? Hơn nữa, cả buổi chiều nay bà gần như đã tìm khắp các nhà trong toàn thôn, ai cũng đều nói không nhìn thấy bác gái. Nếu như không phải là đùa bỡn thì sao? Chẳng lẽ đứa bé tự mọc cánh bay đi mất? Còn cả giấc mơ đó… tại sao lại mơ thấy như vậy? Nó đang ám thị điều gì? Mọi người đều nói mơ ngược với thực, tại sao bác gái lại biến mất thật?
Nỗi sợ hãi không tên từ mỗi ngóc ngách trong gian phòng dồn dập lao đến tấn công bà nội, vây chặt đến độ bà cảm thấy nghẹt thở, bà thực sự rất sợ hãi, bởi vì con mình mới chỉ có một tuổi ba tháng, vừa mới chập chững tập đi, đi còn chưa vững, nó không thể tự mình ngã từ trên giường xuống được, mà cho dù có ngã xuống, nó cũng sẽ khóc chứ, tại sao bà nội không hề cảm nhận được? Hoặc là tiếng khóc của bác gái trong giấc mơ là thực, nếu như là thực, thì trong một khoảng thời gian ngắn như vậy, một đứa trẻ đang sống sờ sờ và đi chưa vững thì sao có thể biến mất được? Nói một cách khác, nếu như không có người lén ôm bác gái đi, vậy thì bé chắc chắn vẫn còn ở trong phòng này!
Suy nghĩ này khiến bà nội toàn thân run rẩy, tay chân lạnh ngắt, giống như giữa mùa đông lạnh giá, lạnh đến độ tê dại.
Khóe mắt bà nội đột nhiên dừng lại ở chiếc rương trên đầu giường, lập tức bị hút chặt vào đó như nam châm, không thể rời mắt ra được.
Đó chính là chiếc rương đã xuất hiện trong mơ, tiếng khóc của bác gái đã từng phát ra từ bên trong. Đó cũng chính là chiếc rương bà đem từ nhà mẹ đẻ đến đây lúc cưới chồng, bên trong chỉ để quần áo. Không thể nào...
Mặc dù bà nội không muốn tin, nhưng bà vẫn đi về phía nó như đang trong cơn mộng mị, bà cảm thấy mình yếu ớt đến độ có thể chết bất cứ lúc nào.
Khi ngón tay bà vừa chạm tới chiếc rương, liền cảm nhận được, thậm chí bà còn nghe rõ tiếng khóc của bé, nhìn thấy nỗi sợ hãi trong mắt con mình.
Đây là một thứ trực giác của người mẹ.
Chiếc rương không được mở ra, không có bất cứ âm thanh nào, lặng lẽ như vừa mở một cỗ quan tài vậy.
Trước tiên bà nội nhìn thấy chiếc áo sơ mi nam dính đầy máu tươi đó, khi lần đầu tiên ông nội cõng Đỗ Xảo Nguyệt từ Câu Hồn Nha về nhà, cô ta đã mặc chiếc áo này! Bà nội nhớ, sau khi cô ta tắm gội xong, đã đốt chiếc áo sơ mi này, chính tay bà nội đốt, thế mà lúc này đây thật không ngờ nó lại phục hồi nguyên dạng chạy vào trong rương... Bà nội dường như mất hết ý thức, bà không biết mình đã bế nó lên như thế nào, ở đây, chỉ có thể dùng từ “bế” này thôi, bởi vì phía trong nó, đang bọc lấy một cơ thể bé xíu. Bà nội càng không biết mình đã xé rách áo sơ mi đó như thế nào, đờ đẫn? Ức chế hay là phát điên?
Bác gái đã tắt thở từ lâu, cơ thể bé bị vặn lại thành dạng sợi thừng, dáng vẻ dị hình lọt vào đồng tử trong mắt bà nội.
Nếu như chúng ta làm bất cứ việc gì đều có thể làm một cách tỉ mỉ thận trọng, suy xét thật kỹ, vậy thì có một số bi kịch, liệu có phải là có thể né tránh được không? Tôi không biết, bà nội cũng không biết, nhưng bà khẳng định chắc chắn việc này chính là do Đỗ Xảo Nguyệt làm, trong một khoảng thời gian ngắn như vậy mà có thể chạy vào nhà giết người, chỉ có một người thôi, đó chính là Đỗ Xảo Nguyệt!
Thế nhưng, tại sao cô ta lại phải làm như vậy? Sao cô ta lại tàn nhẫn đến thế? Sao cô ta lại có thể ra tay với một đứa bé chỉ mới hơn một tuổi?
Bà nội không hiểu nổi.
Thường ngày mình đối xử với Đỗ Xảo Nguyệt cũng không bạc, tại sao cô ta lại lấy oán báo ân?
Bà nội cũng không dám nghĩ nữa, cái chết của bác gái khiến bà bỗng chốc tàn tạ già nua đi rất nhiều, bà càng lúc càng sợ Đỗ Xảo Nguyệt, nhìn thấy cô ta còn khiến bà sợ hãi hơn nhìn thấy ma, thậm chí bà còn không dám đối mặt với Đỗ Xảo Nguyệt, bà cảm thấy cô ta không phải là người, sự dịu dàng và đáng thương mà Đỗ Xảo Nguyệt thể hiện ra đều là để ngụy trang. Đỗ Xảo Nguyệt chính là một con ác quỷ, hoặc là trong thân thể cô ta đang ẩn giấu một con ác quỷ, bất cứ lúc nào cũng có thể nhảy ra băm nát bà nội.
Điều quan trọng nhất là, chỉ cần bà nội nhắm mắt lại, là lại nhìn thấy thân thể rúm ró của bác gái, và nỗi sợ hãi trong mắt con mình, còn có cả chiếc áo sơ mi nam dính đầy máu tươi mà Đỗ Xảo Nguyệt đã mặc, tất cả những thứ đó cứ đung đưa trước mắt bà, bà không thể nào thoát ra khỏi cơn ác mộng Đỗ Xảo Nguyệt đã giết chết bác gái.
Bà bị giày vò vô cùng đau khổ, như đứt từng khúc ruột, tinh thần rất u uất.
Một gia đình đang yên ổn, chỉ vì cái chết của con gái, trong một đêm đã bị bao vây bởi bóng đêm không thể nào xua đi được.
Ông nội đau lòng thì có đau lòng, nhưng ông dù sao vẫn là một người đàn ông, cần phải kiên cường. Sau khi chôn cất qua loa cho bác gái, ông bắt đầu tĩnh tâm để phân tích những điểm khả nghi của sự việc này, bởi vì lúc ga chết ông nội không có mặt tại đó, cho nên ông cũng không biết cụ thể sự việc như thế nào. Nhưng, từ thân hình cong vẹo của đứa trẻ, ông cảm thấy sự việc này không liên quan gì đến Đỗ Xảo Nguyệt.
Vậy thì... có thể là ai được chứ? Thường ngày ông chưa bao giờ xảy ra cãi cọ với ai, bà nội cũng là một người phụ nữ hiền thục nổi tiếng trong thôn, ai có thể ra tay hãm hại bác gái? Hơn nữa, thủ đoạn lại có thể độc ác tàn nhẫn đến như thế, động cơ là gì? Còn cả chiếc áo sơ mi của Đỗ Xảo Nguyệt, rõ ràng đã bị đốt cháy thành tro bụi, sao lại có thể chạy vào trong rương được, còn trở thành hung khí buộc chặt bác gái?
Lẽ nào là... có ma?
Nhưng hồn mà đòi mạng cũng cần phải có nguyên nhân chứ? Giết chết bác gái, nguyên nhân nằm ở đâu?
Nghĩ hồi lâu, đầu óc như sắp nổ tung ra, không chỉ không hiểu nổi, ngược lại trong lòng cảm thấy vô cùng hỗn loạn, ông nội quyết định không nghĩ gì nữa, ngồi ở đầu giường, cầm lấy bàn tay bà nội, khẽ nói:
- Anh biết trong lòng em rất buồn, mất đi con bé anh cũng buồn như vậy, em đừng giày vò bản thân nữa, cuộc sống của chúng ta sau này vẫn còn dài, chẳng phải thế sao? Anh biết trong lòng em rất ấm ức, em cứ khóc to lên, đừng có nín nhịn hay là... em đánh anh đi, mắng anh đi, em cứ thế này thì anh sao có thể yên tâm được?
Bà nội đờ đẫn nhìn lên xà nhà, sắc mặt tái mét, ánh mắt trống rỗng vô vọng, bà đã không thể khóc được nữa rồi, bà cắn chặt môi, nói một cách máy móc:
- Chính cô ta đã giết con bé!
- Không phải đâu, không phải Xảo Nguyệt giết đâu, em biết để vặn thân thể của một người thành như vậy thì cần phải có sức mạnh như thế nào không. Hơn nữa, trong khoảng thời gian ngắn như vậy, Xảo Nguyệt không làm được đâu, cô ấy không thể làm được!
Khi nói những lời này, trong lòng ông nội đột nhiên nhói đau, một sự đau đớn kỳ lạ đang cắn xé ông.
- Chính là cô ta đã giết con bé! Bà nội vẫn nói như vậy.
- Thực sự không phải là cô ấy, em hãy tin anh có được không? Xảo Nguyêt không làm như vậy đâu, chúng ta không thể chỉ vì chiếc áo sơ mi đó mà khẳng định chắc chắn con bé là do cô ấy giết. Chiếc áo sơ mi đó chẳng phải đã bị đốt rồi sao, còn chính do em đốt mà.
- Là cô ta giết chết con bé... Bà nội dường như chỉ biết nói duy nhất một câu này.
- Ôi...!
Ông nội thở dài, hiểu rằng lúc này có nói gì cũng vô dụng, thế là ông bèn đắp chăn cho bà, bước ra ngoài.
Ông nhìn thấy cửa phòng Đỗ Xảo Nguyệt đang khép hờ. Do dự một lát, ông bước đến đó mở cửa ra.
Đỗ Xảo Nguyệt đang đứng quay lưng về phía ông nội, đứng cạnh chiếc rương, có vẻ như đang thu dọn đồ.
Sao vậy, cô ấy muốn đi sao?
Ông khẽ ho một tiếng, cô lập tức quay người lại, mặt đầy nước mắt nhìn ông, sau đó lại cúi đầu xuống.
- Cô... muốn đi? Ông nội lúng túng lắp bắp.
Cô cúi đầu thấp hơn nữa, giống như đứa trẻ, cắn chặt môi dưới, tay vân vê mép áo.
Ông nội nhìn cô thật kỹ, cô hơi nhợt nhạt, hơi yếu ớt, nỗi cô đơn, bi thương thoáng hiện trên khóe mắt, đôi vai khẽ run rẩy, khiến người khác cảm thấy thương xót. Ông lại cảm thấy đau lòng, hỏi cô:
- Tại sao lại muốn đi? Chúng tôi đối xử với cô không tốt sao?
Cô vội vàng lắc đầu, giọt nước mắt rơi xuống, cô ngẩng đầu nhìn ông nội bằng con mắt cầu khấn và bất lực.
Ông nội lập tức hiểu ngay hàm nghĩa trong ánh mắt cô, cô đang tự trách mình vì cái chết của bác gái, cũng không thể nào giải thích được về chiếc áo sơ mi đó.
Ông nội nói đầy thương xót:
- Anh tin cô, anh biết cô sẽ không làm như vậy.
Trong mắt Đỗ Xảo Nguyệt lấp lánh tia sáng, nhưng ngay lập tức lại biến mất. Cô mẫn cảm nhìn về phía phòng bà nội phía đối diện, lắc lắc đầu, quay người tiếp tục thu dọn đồ. Thực ra, cô mới sống ở đây hai tháng làm gì có đồ đáng để thu dọn chứ. Những đồ mặc từ trong ra ngoài của cô đều là do bà nội cho. Cô chỉ là không nỡ, trong lòng cô có quá nhiều thứ không nỡ.
- Vậy... cô định đi đâu?”
Lời của ông nội rõ ràng đã làm nhói đau Đỗ Xảo Nguyệt, nước mắt của cô chợt trào ra, rơi xuống, nhưng không hề phát ra tiếng khóc, cô vẫn đang cố gắng để kiềm chế mình.
Ông nội nhìn lưng cô, cúi đầu, rồi lại nói với khẩu khí ra lệnh:
- Đừng đi!
Nói xong, ông nội không đợi Đỗ Xảo Nguyệt có phản ứng gì, bước ra khỏi phòng.
Bên ngoài, màn sương dày đặc, ông nội ngẩn người nhìn lên bầu trời xám xịt, con tim nặng trình trịch.
Mọi người thường nói, thời gian chính là liều thuốc tốt nhất để chữa lành vết thương. Ông nội cũng nghĩ như vậy, ông tưởng rằng lâu dần, bà nội cũng sẽ nguôi ngoai được nỗi đau, sẽ không còn oán hận Đỗ Xảo Nguyệt nữa, nhưng ông đã nghĩ quá đơn giản. Bệnh tình của bà nội không những không thuyên giảm, ngược lại còn nghiêm trọng hơn, bà chỉ cần nhìn thấy cô là kêu thét lên, thậm chí chỉ cần nghe thấy bước chân của Đỗ Xảo Nguyệt liền lập tức trốn xuống gầm giường. Hơn nữa, bà liên tục gặp ác mộng, cả cơ thể tiều tụy đến độ chỉ còn da bọc xương, có vẻ như sắp đến lúc bị tâm thần.
Vào một đêm, ông nội tỉnh dậy giữa cơn mê, nhìn thấy bà nội tóc tai rũ rượi ngồi dưới đất, trong tay cầm chiếc kéo ra sức cắt quần áo của Đỗ Xảo Nguyệt, cắt cả vào tay mình, máu me đầm đìa khiến ông hoảng sợ, lao đến giật lấy kéo, ôm bà vào trong lòng. Cơ thể bà run rẩy mạnh, trong miệng vẫn luôn lẩm bẩm:
- Cô ta đã giết chết con bé, bây giờ muốn giết tôi! Cô ta đã giết con bé, bây giờ muốn giết tôi...
Ông nội vô cùng đau xót, nếu cứ như thế này, đương nhiên là không thể để Đỗ Xảo Nguyệt tiếp tục ở lại trong nhà nữa.
Nhưng ông nội lại không yên tâm để cô đi, cô chưa bao giờ nói nhà cô ở đâu, có những người thân nào, hỏi cô thì cô đều khóc. Rõ ràng, cô không hề muốn nghĩ lại quá khư đau buồn. Vậy thì, để cô ấy đi đâu được đây?
Nghĩ hồi lâu, ông nội cuối cùng cũng nghĩ ra được một cách, cô ấy đã không có nơi nào để đi, sao lại không tìm một người tốt để gả cô chứ? Như vậy, cô đã có chốn nương thân, ông cũng không còn phải lo lắng gì cô nữa, thật chẳng phải là tiện cả đôi đường sao?
Sau khi đã quyết định như vậy, ông nội bèn bắt đầu lục tìm trong trí nhớ của mình những người phù hợp, cuối cùng ông đã chấm chắc Vương Đại Sơn ở thôn bên cạnh, gia đình anh ta đời đời đều làm thợ mộc, mặc dù không phải có thật nhiều tiền, nhưng để sống một cuộc sống bình thường thì không thành vấn đề. Hơn nữa, Vương Đại Sơn lại là người thật thà chất phác, tướng mạo cũng không đến nỗi nào, gả Đỗ Xảo Nguyệt cho anh ta, ông nội cũng yên tâm.
Nói thì nói vậy, nhưng cuối cùng vẫn cần Đỗ Xảo Nguyệt gật đầu đồng ý mới được.
Ông nội nói cho bà nội biết suy nghĩ của mình. Bà mặc dù không nói gì, nhưng qua biểu hiện của bà, bà rất tán thành, chỉ cần không nhìn thấy Đỗ Xảo Nguyệt, thế nào cũng được.
Đỗ Xảo Nguyệt nghe ông nội nói xong, cô không lắc đầu, cũng không gật đầu, trên mặt không thể hiện bất cứ thái độ nào, ông nội đoán có lẽ cô chưa nhìn thấy Vương Đại Sơn, nên chưa thể quyết định được, dù sao cũng là chuyện cả đời người. Thế nên, ngay ngày hôm sau, ông nội bèn dẫn Vương Đại Sơn đến nhà. Anh ta đã bao giờ gặp được người phụ nữ xinh đẹp như vậy đâu, ngay lập tức đồng ý luôn, gật đầu lia lịa, trước lúc đi còn nhất định mua cho ông nội một bình rượu ngon.
Đỗ Xảo Nguyệt vẫn giữ bộ dạng đó, mặc cho ông nội hỏi thế nào, cô cũng không lắc đầu, cũng không gật đầu, ông đành bó tay, không biết trong lòng cô nghĩ gì.
Nhưng chính tôi hôm đó, Đỗ Xảo Nguyệt đột nhiên gật đầu, mỉm cười dịu dàng hơn ngày thường, nhưng sắc mặt rất nhợt nhạt, trong ánh mắt có một sự bình tĩnh và cô độc.
Sau khi hai bên cùng bàn bạc, ngày cưới được ấn định vào ngày mồng 10 tháng 7.
Hôm diễn ra đám cưới, đối với ông nội, cả bà nội và chính Đỗ Xảo Nguyệt, đều là số trời đã định.
Thời tiết vốn đang rất đẹp, đến chập tối lại đột nhiên đổ mưa rào, ông nội nói sẽ chiếu phim miễn phí cho họ, kết quả là bởi vì ông trời không tác thành nên không chiếu được. Biểu hiện của Đỗ Xảo Nguyệt hôm đó cũng vô cùng khác thường, luôn tay mời rượu khách, không để Vương Đại Sơn uống đỡ chén nào, hơn nữa cô cười rất tươi, thậm chí còn dựa vào lòng Vương Đại Sơn cười ra nước mắt. Ông nội vẫn luôn cảm thấy rất kỳ lạ, nhưng lại không tiện can dự vào, viện cớ vội quay về nhà trong đêm. Tối đó, ông nội uống rất nhiều, nằm trên giường là ngủ luôn.
“Đùng!” Một tiếng sấm rền vang khiến ông nội tỉnh giấc giữa cơn mơ, ông vừa nằm mơ, thấy Đỗ Xảo Nguyệt tự sát, hồn ma của cô quay lại, trên ngực còn cắm một cái kéo.
Ông nội chợt trở mình, ra khỏi giường, đi chân đất lao ra khỏi phòng, mở cửa lớn.
Một tia sét xé rách bầu trời đêm, ông nội nhìn thấy cô, cô vẫn mặc bộ áo cưới màu đỏ đó, ôm lấy cánh tay, trông rất cô độc, nhưng lại ngoan cố đứng giữa cơn mưa rào, đôi mắt sắp bị mưa dầm đến độ không mở ra được nữa.
Ông nội sửng sốt nhìn cô, trên ngực cô không có chiếc kéo, cô không phải là ma, nhưng sao cô lại quay lại? Cô thực sự quay lại rồi… chính ngay vào buổi tối hôm kết hôn với Vương Đại Sơn.
Bà nội bất chợt mở mắt, không thấy ông nội đâu, bên tai vang lên tiếng gào thét điên cuồng của cơn mưa bão bên ngoài, gió thổi cánh cửa sổ chưa được khép chặt kêu rầm rầm. Lòng bà nội trĩu nặng, ngực giống như bị một tảng đá nặng nghìn cân đè xuống, bà lần mò đi xuống giường, qua khe cửa nhìn thấy đèn trong phòng Đỗ Xảo Nguyệt đang sáng, bà chợt cảm thấy buốt lạnh, từ từ đi đến đó, ghé sát tai vào cửa.
- Anh không xứng đáng để em phải làm vậy vì anh, không xứng đáng đâu, em có hiểu không?. Đây là giọng nói của ông nội, mặc dù ông đã cố gắng nói thật khẽ, nhưng bà nội vẫn nghe rất rõ.
- Em không hiểu, chỉ biết rằng từ khoảnh khắc anh cõng em trên lưng ở Câu Hồn Nha, em đã tự thầm thề với mình, cả cuội đời này em sẽ mãi đi theo anh, cho dù không được làm người của anh, em cũng phải làm ma của anh.
Bà nội như thể bị giáng một cú đòn mạnh, hoàn toàn sụp đổ, đầu óc bỗng chốc trở nên trống rỗng. Từ trước đến giờ, bà luôn cho rằng Đỗ Xảo Nguyệt là người câm, mặc dù bà cảm thấy cô ta rất khả nghi, nhưng thật không ngờ lại có thể như thế này. Những câu nói này của Đỗ Xảo Nguyệt thực sự đã biến thành một con dao găm sắc nhọn, đâm hàng trăm hàng nghìn nhát vào trái tim bà nội.
- Đợi đến mai trời sáng anh sẽ đưa em trở về.
- Không, em không về đấy đâu!
- Việc này không do em quyết định được, em đã thành thân với anh ta, em đã là vợ anh ta, em có biết không?
- Em không biết, có chết em cũng không quay về.
- Em... Nếu em đã không muốn, tại sao lúc đầu em lại đồng ý làm đám cưới?
- Em cứ tưởng rằng sau khi cưới anh ta, em có thể quên được anh, nhưng em không thể quên được, em thực sự không thể quên được, nếu anh nhất định đòi đưa em về đó, vậy thì anh hãy giết em đi.
- Sao em lại có thể ngốc như vậy? Anh không thể cho em được gì, em có hiểu không?
- Em không cần anh cho em gì cả, chỉ cần mỗi ngày em đều có thể được nhìn thấy anh, em bằng lòng vì anh mà giả câm suốt cả đời.
- Xảo Nguyệt...
Bà nội không thể nào nghe tiếp được nữa, cái cảm giác bị lừa gạt quấn chặt lấy bà, một người là người đàn ông bà yêu nhất trên đời, một người là kẻ khả nghi giết chết bác gái, bà phải làm thế nào mới có thể thuyết phục mình tin rằng tất cả những việc này đều là sự thực? Máu trong người bà trào dâng, cơn phẫn nộ trong người đã lên đến đỉnh điểm, bà đạp cửa phòng.
Hai người trong phòng đang ôm chặt lấy nhau cuống quít tách rời ra, nét mặt thể hiện sự kinh hãi tột cùng.
Bà nội hít thở thật sâu, lao đến kéo ông nội vừa đấm vừa đánh, khóc lóc gào thét:
- Sao mình có thể đối xử với em như vậy chứ? Sao mình có thể đối xử với em như vậy chứ...
Ông nội cứ thần người đứng yên ở đó giống như cột gỗ, mặc cho bà nội gào thét như phát điên.
Đỗ Xảo Nguyệt quỳ xuống đất, ôm chặt lấy chân bà nội:
- Em xin lỗi, không liên quan đến anh Thanh Sơn, chính em đã dụ dỗ anh ấy, là lỗi của em, chị đánh em đi, em xin lỗi, em xin lỗi...
- Xin lỗi?... Bà nội đá cô ta ra, tất cả mọi sự phẫn nộ quy tụ lại, nhằm thằng vào Đỗ Xảo Nguyệt... Cô còn có mặt mũi mà nói xin lỗi với tôi sao?! Cô lừa cho tôi khốn khổ thật đấy. Đỗ Xảo Nguyệt, cô tự hỏi lương tâm mình xem, tôi có chỗ nào không phải với cô chứ? Cô lại đối xử với tôi như thế này? Trước tiên cô giết chết con gái tôi, sao cô có thể độc ác như vậy? Con bé mới hơn một tuổi mà, nó vừa mới tập gọi cô là cô... Còn bây giờ cô lại muốn cướp chồng của tôi, vậy tại sao cô không giết tôi luôn đi? Cô đúng là con ác quỷ! Cô muốn làm ma của Thanh Sơn phải không? Sao cô không biết liêm sĩ...
Lời của bà nội càng lúc càng gay gắt, sắc mặt Đỗ Xảo Nguyệt cũng càng lúc càng nhợt nhạt, càng lúc càng khó coi, cô ôm chặt lấy đầu, lắc mạnh.
- Đừng nói thêm nữa...
Cô chợt hét vang một tiếng, đứng dậy vao đến bên giường, rút từ dưới gối ra một cái kéo, định đâm thẳng vào ngực mình.
Ông nội hồn bay phách lạc lao đến ôm chặt lấy cô:
- Đừng! Xảo Nguyệt!
Bà nội nhìn thấy cảnh tượng này thì càng đau đớn xót xa hơn, bà lao đến cướp chiếc kéo trong tay Đỗ Xảo Nguyệt:
- Vậy thì để tôi chết đi, tôi chết đi để cho hai người được toại nguyện... Tôi chết đi để tác thành cho hai người.
Bỗng chốc, cả ba người chụm vào một chỗ. Bên ngoài trời mưa càng to hơn, tiếng sấm sét kinh thiên động địa, nuốt chửng tất cả những tiếng ồn ào huyên náo. Trong khoảnh khắc tiếng sấm và ánh sét giao nhau, chiếc kéo đó đã cắm thẳng vào ngực Đỗ Xảo Nguyệt, ứng nghiệm giấc mơ của ông nội: hồn ma của cô đã quay lại, trên ngực còn cắm một chiếc kéo.
Nói thực lòng, bà nội lúc đầu đúng là muốn chết cho xong, hoặc là giết chết Đỗ Xảo Nguyệt, nhưng trong lúc tranh giành, bà nội cảm thấy, cái kéo đó chính là do cô tự mình đâm vào.
Ánh mắt Đỗ Xảo Nguyệt lướt qua bà nội, rồi dừng lại trên mặt ông nội, cô nói:
- Nếu như em có gì nợ anh chị, bây giờ... không nợ nữa rồi...
Đây là câu cuối cùng của Đỗ Xảo Nguyệt.
Nhân lúc trời còn chưa sáng, ông nội đã giấu xác Đỗ Xảo Nguyệt ở trong hầm phía sau núi, trong đó là để chứa khoai lang, mỗi nhà đều có một căn hầm biệt lập, cho nên giấu xác ở trong đó, chỉ cần mình không để lộ manh mối, thông thường, mọi người sẽ không phát hiện ra được.
Giết người phải đền mạng, đây là đạo lý mà đứa trẻ ba tuổi cũng biết, mặc dù cái chết của Đỗ Xảo Nguyệt là một sự cố, nhưng nếu truy cứu, ông nội và bà nội cũng khó mà tránh khỏi trách nhiệm, cho nên, họ buộc phải giấu kỹ xác cô, không để bất cứ ai biết.
Vương Đại Sơn cũng có đến hỏi mấy lần, khóc lóc như thể một đứa trẻ, ông cũng thấy xót xa, nhưng đành nhẫn tâm đuổi anh ta về. Đúng vậy, không có ai nghi ngờ Đỗ Xảo Nguyệt chết ở trong nhà, cho dù có người nghi ngờ đối với việc cô ta mất tích, vậy thì cũng chỉ liên quan đến Vương Đại Sơn, dù sao thì cũng là người biến mất khỏi nhà anh ta. Vương Đại Sơn cũng không biết phải giải thích thế nào, không những bị mất vợ, còn trở thành người bị oan.
Khoảng thời gian lúc Đỗ Xảo Nguyệt mới mất, bà nội thường xuyên gặp ác mộng. Bà mơ thấy Đỗ Xảo Nguyệt đến đòi mạng. Thêm vào đó, kể từ ngày Đỗ Xảo Nguyệt chết, giữa bà và ông có một thứ ngăn cách không nói được thành lời.
Ngày tháng cứ thế lặng lẽ trôi qua, cho đến tận khi bác trai sinh ra, trong nhà mới bắt đầu có chút sinh khí. Nhưng chẳng được bao lâu, khi bác trai còn chưa đầy một tuổi đã bị chết yểu. Những đứa con sinh ra sau này đều chết đi một cách ly kỳ, không có ai sống được quá một tuổi. Mãi cho đến khi sinh bố tôi, bà nội mới ý thức được rằng, rất có thể chính hồn ma Đỗ Xảo Nguyệt đang báo thù, bèn thương lượng với ông nội, di dời hài cốt của cô ta xuống giếng ở sau vườn, rồi lấp kín cái giếng đó, nhốt chặt hồn mà của Đỗ Xảo Nguyệt, để cô ta không thể tác oai tác quái được nữa.
Cũng không biết mệnh của bố tôi tốt hay là hồn mà của Đỗ Xảo Nguyệt đã thực sự bị nhốt chặt, bố tôi không xảy ra bất cứ sự cố nào, thậm chí còn chẳng bị một cơn bệnh nào, sống thật khỏe mạnh. Cục đá nặng đè lên con tim bà nội cuối cùng cũng đã đặt được xuống.
Cứ tưởng rằng bi kịch đến đây là chấm dứt, thật không ngờ ông nội đột nhiên mất tích năm bố tôi lên năm.
Ông nội ra khỏi nhà sau khi ăn trưa xong, đi đến thôn bên cạnh chiếu phim. Trước khi đi ông còn ôm bố tôi, nâng lên cao xoay mấy vòng, trìu mến hỏi bố tôi muốn ăn gì để ông mang về cho, không hề có điềm báo trước, nhưng lần này ông nội tôi đi và không bao giờ trở lại. Bà nội chạy dáo dác khắp thôn tìm kiếm, nhưng không có ai nhìn thấy ông.
Ông nội đã mất tích một cách kỳ lạ như vậy đấy, mất tích liền ba năm.
Một đêm, bà nội nằm mơ, thấy ông nội trong cái giếng phía sân sau, toàn thân bị dầm trong nước giếng, chỉ lộ ra cái đầu, mắt ông trợn rất to, không có lòng đen, chỉ toàn lòng trắng. Bà nội bị tỉnh giấc bởi tiếng kêu gào của bố, thì ra bố cũng mơ một giấc mơ y như vậy, bố cũng mơ thấy ông nội trong cái giếng ở sân sau.
Sáng sớm hôm sau, bà nội bèn nhờ người đưa tin gọi ông cậu đến, khóc lóc bảo ông cậu mở giếng ra. Dù không tin, nhưng ông cậu cũng không làm trái ý bà nội nên tối hôm đó bèn mở giếng ra.
Cái giếng đó đã bị bịt kín tám năm rồi, ông nội sao có thể ở bên trong đó chứ?
Nhưng thật ngạc nhiên, ông cậu đã vớt được ông nội ra từ trong giếng, toàn thân ông còn chưa bị thối rữa, chứng tỏ thời gian ông chết ở trong giếng chắc chưa lâu.
Hơn nữa, cái áo ông mặc trên người chính là chiếc áo sơ mi dính đầy máu tươi đó, đã từng quấn chặt thân thể của bác gái.
Bà nội vừa nhìn thấy xác ông đã ngất lịm.
Chẳng ai biết được năm đó ông nội đã mất tích ra sao, càng không biết tại sao sau khi ông mất tích ba năm lại chết một cách hết sức ly kỳ trong cái giếng đã được bịt kín tám năm rồi.
Có lẽ... Đỗ Xảo Nguyệt biết! Hết chương 1