Xem truyện
Bọn họ gồm bốn người: Hà, Hạnh, Tuyết và Hữu, nhân vật nam duy nhất trong nhóm.
Họ được lời mời của Thiện, bạn cùng khóa, lại là người có quê ở Thủ Dầu Một. Các bạn cứ đi xe đò về tới khỏi chợ Búng 200 mét, thấy cây dầu lớn đầu tiên thì dừng lại, xuống xe đứng đó đợi, mình sẽ ra đón, lúc 2 giờ chiều nhé.
Thiện là người đúng nguyên tắc, trọng giờ giấc và lời hẹn, nên bọn bốn người cố tranh thủ đi đúng giờ. Từ Sài Gòn lên cũng không xa lắm, vả lại đường quá quen thuộc, bởi họ thường cùng nhau đi vườn trái cây Lái Thiêu gần đó nhiều lần, nên lúc kém 10 phút 3 giờ thì cả bọn đã đến nơi.
Hà là cô bạn vui tính nhất bọn, nói đùa:
- Nếu chút nữa mà ông Thiện cho bọn này leo cây thì bắt ông Hữu này bao cả bọn một chầu bánh bèo bì xứ Búng nhé!
Hạnh lên tiếng phản đối:
- Sao ông Thiện lỡ hẹn mà lại bắt Hữu phải gánh chịu?
Hà, Tuyết đều cười to:
- Coi người ta bênh nhau kia!
Ai cũng biết Hạnh và Hữu yêu nhau, nên có dịp là họ trêu chọc. Chỉ có Hữu là xởi lởi:
- Được rồi, bao ăn cho bể bụng luôn, lúc gặp Thiện bắt đền nó chớ lo gì!
Nhưng họ không phải chờ lâu, Thiện đã xuất hiện như cái máy thời gian. Anh chàng cười thân thiện:
- Mình đoán các cậu thế nào cũng đúng giờ, nên đã chuẩn bị đủ thứ ở nhà rồi mới ra đây đón các bạn. Nào, bây giờ ta cuốc bộ một đoạn cho giãn gân nhé!
Hà kêu lên:
- Phải đi bộ với đôi giày mới cáu thế này sao?
Hữu trêu chọc lại:
- Hà tiểu thư nghe nói về quê Thiện nên đã sắm ngay đôi giày xịn, cưng như cưng trứng từ sáng đến giờ đó nghe!
Vừa đi bộ vừa đùa giỡn như thế nên chỉ khoảng 15 phút sau cả bọn đã đến nhà Thiện, một ngôi nhà ngói xưa với chung quanh là vườn cây ăn trái khá rộng.
Bà mẹ của Thiện đã gần 70, chỉ có Thiện là con trai nên rất quý bạn bè của con, bởi vậy khi nhìn thấy một đám đông gồm đủ trai, gái về chơi, bà mừng lắm, cứ nắm lấy tay hết đứa này đến đứa kia vồn vã:
- Tụi con về chơi má mừng lắm. Sao lâu nay không thấy đứa nào về hết? Đứa nào là thằng Hữu, má nghe thằng Thiện nhắc hoài?
- Dạ, con đây má. Nhưng hình như thằng Thiện còn nhắc ai khác nhiều hơn, chớ đâu phải con?
Tuyết đã chủ động nắm tay Hà kéo tới trước mặt bà mẹ.
- Đây mới là người phải ra mắt má. Làm lễ đi tân nương!
Hà thẹn đỏ mặt, khác xa với sự lém lỉnh lúc nãy. Được dịp cả bọn còn trêu dữ hơn:
- Con dâu tương lai của má đó! Coi, con nhỏ không biết lễ phép gì hết sao chưa ra mắt mẹ chồng?
Thiện cũng phát quýnh:
- Má, đây là...
Cũng may là bà già rất tâm lý:
- Tụi con làm quá con gái cưng của má ngượng. Được rồi, con dâu của má đâu? Lại đây má coi nào.
Bà nắm tay Hà kéo lại bộ ván gõ gần đó, ngồi xuống, bà kéo Hà ngồi cùng:
- Con đừng ngại, tụi nó chọc làm con run, nhưng má còn run hơn, bởi lâu nay má chờ hoài mà có nghe thằng Thiện nói gì đến chuyện vợ con đâu...
Thật sự tự dưng trong lòng Hà rộn lên cảm xúc lạ thường. Đời con gái mấy ai không rung động trước tình huống này... Nhất là từ lâu nay tình yêu mà cô và Thiện dành cho nhau chỉ giữ riêng cho hai người, chưa dám công khai với ai trong gia đình hai bên.
Hữu phá tan bầu không khí:
- Tối nay ta bắt hai cô cậu làm lễ ra mắt cho ra trò đấy nhé!
Tiếng cười rộn rã trong gian nhà rộng mà bấy lâu nay vốn dĩ âm thầm, lặng lẽ.
Người vui nhất có lẽ là bà mẹ già, bởi vậy bà Tám hối con:
- Thiện, con biểu đứa nào đó lo dọn cơm ngay, chắc tụi nó đói lắm rồi. Nấu thêm nồi cháo gà nữa.
- Dạ, xong rồi má.
Bà Tám mắng yêu con trai:
- Tao biết là mày đã lo từ hồi giữa trưa lận. Chính nó làm cá, làm gà, đặc biệt là món cá lóc hấp, nó nói là các con thích lắm.
Hạnh nói to:
- Đó là sở thích của chỉ một người thôi má ơi, đó là con dâu tương lai của má đó!
- Ủa, té ra con thích ăn cá hấp?
Hà ngượng nghịu thấy mà tội:
- Dạ, con... Con thích...
Thiện cứu bồ:
- Hà khoái cá lóc hấp nên con có hứa, lúc nào về đây con sẽ đãi món đó. Nào, bây giờ mình xuống ăn kẻo nguội hết.
Cả bọn kéo xuống nhà sau, Tuyết đi gần Hà trêu chọc:
- Còn bị chọc nữa, cho chừa!
Tuổi sôi nổi, đùa đó, quên đó, rồi chuyển sang đề tài khác. Suốt bữa ăn họ cười nói, chọc ghẹo nhau đủ thứ chuyện.
Thấy vui với cảnh đó, bà Tám dặn Thiện:
- Con nhớ tối nay cho bạn con ăn thêm món gì đó cho ngon, má đã dành sẵn hơn 10 con gà cho tụi con tha hồ mà nấu nướng. Trái cây thì đầy vườn, muốn ăn gì cứ hái, đứa nào không leo cây được thì bắt thằng Thiện nó leo hái cho ăn.
Trăng bắt đầu lên sau rặng tre. Hữu là người hăng hái nhất:
- Chờ chút nữa cho trăng sáng, mình nấu cháo gà bày ra gốc nhãn vừa ăn vừa thi kể chuyện, ai thua phải uống!
Mấy cô gái phản đối:
- Ai dám uống ba thứ cay xè đó mà đố!
- Uống rượu không được thì ăn. Hễ ai thua thì một là uống một ly, hai là phải ăn một chén cháo!
Qua phân công của Thiện đi bắt gà, Hữu chuẩn bị bếp dã chiến dưới gốc nhãn, còn ba cô gái thì lo làm gà, nấu cháo và dọn ăn.
Vào khoảng gần 10 giờ đêm thì mọi thứ cơ bản đã xong. Hà được cử đi mời mẹ chồng, nhưng lát sau cô trở ra cho biết bà Tám mệt nên không thức khuya được, có nhắn là cả bọn cứ vui chơi thoải mái, nhưng đừng uống nhiều rượu.
Trong lúc chờ cháo sôi, Hữu gợi ý:
- Hôm nay mình thi kể chuyện tiếu lâm, mấy bà dám tham gia không?
Hạnh và Tuyết xua tay quyết liệt:
- Thôi đi cha, ghê thấy mồ! Kể chuyện vui thôi!
- Thì chuyện vui mang chất tiếu lâm, có như thế mới lý thú chớ! Chỉ có điều là cấm “Tiếu lâm nặng”.
Hà cũng lắc dầu:
- Ai mà cản được mấy ông quá đà, thôi đổi đề tài đi!
Chợt Thiện đưa ý kiến:
- Mình có chuyện này, đố ai làm được thì được cả bọn gọi bằng anh, bằng chị. Chỉ tiếc là...
Anh hơi do dự.
Hữu chen vào:
- Còn điều kiện gì nữa?
Thiện nhìn ba bạn gái, ái ngại:
- Phải có thêm vài nam nữa thì vui hơn. Nữ e rằng hơi khó.
- Sao lại khó, bộ mấy ông chê bọn này hả, phân biệt đối xử hả?
Đó là phản ứng của Hạnh. Thiện phải nói rõ:
- Đây là cuộc đánh cược đòi hỏi phải có thần kinh thép và cả sức lực nữa, đó phải là nam giới, chớ nữ thì e không xong. Ở đây chỉ có mỗi mình với Hữu, nên không hứng thú lắm, nhất là sợ Hữu không đủ can đảm...
Chưa biết nội dung thi ra sao, nhưng bị chê, nên Hữu sung lên:
- Có hai người cũng chơi, để mấy cô làm trọng tài!
Thiện hơi ngập ngừng, nhưng rồi cuối cùng cũng nói về cuộc chơi:
- Cách chỗ mình ngồi khoảng 500 mét là nghĩa địa của làng, nơi đó có nhiều mồ mả, đặc biệt là ngôi mộ bằng đá đỏ lâu đời, được tiếng là có nhiều chuyện bí ẩn. Thiên hạ đồn rằng: "Đêm đêm thường có ánh sáng lập lòe từ mộ bốc lên, kể cả những tiếng kêu, rú lạ lùng cũng từ phía đó". Ở xứ này từ lâu có lệ đố, nếu ai có can đảm vào nửa đêm đến đó rồi quay trở về sẽ được thưởng lớn. Đêm nay mình vừa ra thách đố lại cũng sẵn sàng tham gia nếu không có ai nhập cuộc.
Các cô vừa nghe xong đã thè lưỡi, kêu lên:
- Thôi, ghê lắm, đừng chơi dại!
Nhưng Hữu thì lại khác, anh chàng bình tĩnh lên tiếng:
- Mình thích cuộc chơi cảm giác mạnh như thế này. Mình nhận lời!
Tuyết là người ngăn đầu tiên:
- Không, anh Hữu đừng có điên lên.
Nhưng Hữu đã trấn tỉnh người yêu:
- Có gì đâu mà sợ, như đi dạo ấy mà.
Không cần nghe về giải thưởng nếu thắng cuộc, Hữu đã đứng lên hăng hái:
- Được, cho mình mượn con dao phay và cây đèn pin, mình sẽ đi ngay ra đó.
Mặc cho Tuyết cố ngăn lại, Hữu vẫn băng mình vào trong đêm tối. Chỉ năm phút sau, anh đã ra tới khu đất hoang, có nhiều mồ mả. Trong lúc anh còn soi đèn tìm đúng ngôi mộ mà Thiện nói thì đột nhiên một luồng ánh sáng xanh từ ngôi mộ đá bay vọt lên.
Hữu che mắt lại để tránh luồng sáng, khi mở ra anh giật mình kêu lên:
- Cô là ai?
Trước mặt anh, một cô gái mặc y phục toàn trắng, đang đứng dựa người vào mộ bia, mái tóc xõa dài xuống tận lưng đang bay bay theo chiều gió thổi ngược từ sau tới. Nhìn Hữu một lượt, rồi cô nàng mới lên tiếng giọng nhỏ nhưng rõ ràng:
- Là chủ ngôi mộ này!
Vốn là người dạn dĩ nhất bọn, tánh lại hay ngang tàng, liều mạng, vậy mà sau khi nghe cô gái nói Hữu vẫn còn chưa tin hẳn. Anh hỏi lại:
- Cô muốn đùa tôi?
Không đáp, cô ta bước thẳng tới trước mặt Hữu và bất thần lao thẳng vào người anh.
Hữu không kịp tránh, nhưng lạ quá khi người cô ta chạm vào Hữu thì anh không hề có cảm giác gì, mà chỉ nghe như có luồng gió thoảng qua.
Còn đang ngơ ngác thì Hữu nghe có tiếng cất lên từ sau lưng:
- Anh tin tôi là người cõi âm chưa?
Hữu quay lại thì thấy chính cô nàng đứng cách mình vài bước chân. Lần này giọng nàng gay gắt hơn:
- Anh hăng hái quá mức để bị người ta lợi dụng rồi!
Hữu cau mày:
- Lợi dụng việc gì? Ai lợi dụng?
- Anh bạn thân thiết của anh chớ còn ai.
- Bạn thân của tôi thì hiện ở đây cũng có vài người...
- Thiện!
- Cô quên là Thiện mời chúng tôi về đây. Anh ta là chủ nhà tốt bụng nữa.
Đột nhiên nàng phá lên cười. Tiếng cười như xé màn đêm bay xa theo gió. Rồi chợt chùng xuống:
- Các anh chỉ mới quen thằng Thiện đó vài năm nay thôi, khi anh ta lên học ở thành phố. Chớ thời gian anh ta còn ở chốn quê này có biết anh ta ra sao không?
Câu hỏi cô nàng khiến Hữu lúng túng:
- Đúng là chúng tôi chỉ mới quen Thiện ở thành phố. Nhưng anh ấy tốt bụng, được lòng mọi người...
Cô nàng cười gằn:
- Đặc biệt là tốt bụng với các người đẹp.
Một cách vô tình Hữu nói:
- Đúng như vậy! Hôm nay về đây còn có người yêu của Thiện nữa. Cô ấy yêu Thiện, họ có thể làm đám cưới một ngày gần đây nữa.
- Tôi đang chờ cái đám cưới ấy đây và chờ anh ta nữa! Đồ mặt dày, đồ bội bạc!
Những lời này cô nàng nói vừa nghiến răng, khiến cho Hữu ngạc nhiên:
- Cô... cô là gì của Thiện?
Nàng chỉ vào bia mộ:
- Anh nhìn xem tôi là gì của anh ta?
Lúc này Hữu mới để ý. Anh đọc được mấy dòng chữ:
"Chi Lan, người vợ hiền của tôi, Ngọc Thiện".
Hữu kêu lên:
- Thằng Thiện bạn tôi!
- Làng này chỉ có một người tên Ngọc Thiện mà thôi. Là anh ta đó!
Hữu lẩm bẩm:
- Có lẽ nào...
Nàng nói chậm để Hữu nghe rõ:
- Tôi là người được anh ta yêu hơn năm năm. Cho đến khi tôi báo tin là có thai thì anh ta hốt hoảng xúi tôi đi phá cái thai. Tôi quyết liệt từ chối và buộc anh ta phải làm đám cưới. Chẳng còn cách nào khác, nên anh ta chấp nhận. Đám cưới được tổ chức rình rang, nhưng ngay trong đêm động phòng thì anh ta đã hạ thủ: Cho tôi uống một ly nước có chứa chất hủy thai. Tôi uống xong bị thuốc hành, bị băng huyết và chết khi chưa kịp chuyển đến bệnh viện! Để che miệng thế gian, anh ta lập mộ đàng hoàng, nhưng từ ngày tôi chết, anh ta bỏ đi biệt ở Sài Gòn. Gần đây mỗi lần về nghe người ở đây đồn là oan hồn tôi thường hiện về, anh ta sẽ bị báo thù, cho nên vừa rồi anh ta đi nhờ một tay thầy bùa yếm bùa phép vô con dao phay mà anh đang cầm trên tay. Thâm ý của anh ta khi đưa ra lời thách đố khi nãy là muốn mượn tay anh trừ khử tôi, để anh ta rãnh nợ mà cưới vợ mới! Dẫu anh ta thừa biết là khi anh thực hiện việc này anh có thể bị vong mạng!
Hữu tái mặt đưa con dao lên xem. Quả nhiên trên bản dao có viết những chữ màu đỏ ngoằn ngoèo không thể đọc được, theo kiểu bùa chú mà Hữu từng thấy qua. Giọng anh hơi run:
- Có... có chuyện này sao?
Cô gái buông một tiếng thở dài:
- Lòng dạ đàn ông là thế đó! Tôi đã cho anh ta cả cuộc đời con gái, vậy mà kết cuộc như bây giờ đây...
Nàng bước thẳng tới phần mộ, nói với Hữu:
- Tôi thừa sức báo thù hắn ta và thừa sức để hại anh, nhưng tôi nghĩ lại, thà cứ để hắn ta tiếp tục thủ đoạn của hắn. Vậy anh cứ cắm con dao xuống đầu mộ đi, tôi sẽ vĩnh viễn biến mất!
Hữu bất nhẫn, anh ném con dao xuống dòng sông gần đó, nói như lời thề:
- Tôi không bao giờ làm chuyện vô đạo đức này!
Anh quay bước đi nhanh trở vào nhà. Thiện và các bạn đang đợi bên nồi cháo gà.
Vừa thấy anh về Tuyết đã chạy tới, giọng lo lắng:
- Em lo quá...
Riêng Thiện thì quan tâm đặc biệt hơn, anh ta bước tới gần hỏi khẽ:
- Làm đúng như vậy chớ?
Hữu nhìn thẳng vào mắt anh ta, gằn giọng:
- Cô Chi Lan hỏi thăm mày!
Thiện đang tươi rói, chợt sa sầm mặt, rồi run cả người.
Hà kêu lên:
- Anh Thiện! Sao vậy?
Hữu vẫn dửng dưng quay đi trong khi Thiện lảo đảo gần ngã xuống đất.
- Đưa nó rời đây ngay đi, sắp có chuyện đó!
Chẳng ai hiểu gì, chỉ biết đưa mắt nhìn nhau và chờ câu nói tiếp của Hữu...
Thiện đã bỏ nhà đi Sài Gòn ngay sáng hôm sau. Hữu kể hết mọi chuyện cho bà mẹ của Thiện nghe, bà rầy la Thiện một trận dữ dội, rồi đích thân bà sắm lễ vật đem ra mộ của Chi Lan cúng vái rất trọng thể. Bà xin linh hồn của cô con dâu tha cho con trai bà.
Phần Thiện thì có lẽ đã biết sợ, biết lỗi, nên từ đó anh lánh xa Hà luôn, không hề tính chuyện cưới xin gì nữa.
Có lẽ oan hồn cũng biết thứ tha, nên từ ấy không ai thấy những hiện tượng lạ quanh ngôi mộ của Chi Lan nữa. Ngày ngày bà mẹ chồng đều ra đốt nhang, ngồi trước mộ nàng dâu mà khóc và van vái cho cô siêu thoát.
Những bạn bè của Thiện dần dần biết chuyện, họ thành tâm đi theo Hữu thỉnh thoảng về đốt nhang cho Chi Lan. Trong số này có cả Hà.
Chẳng hề thấy hồn ma làm hại gì Hà cả. Hết