Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2012

Báo Mộng - Chương 5 (Hết) - Truyện Kinh Dị - Người Khăn Trắng

Chương 5

Mặc dù cánh cửa làm bằng kính nhưng phá hủy nó cũng không phải dễ. Tuấn Khanh đã phải dùng đến thanh gỗ nhặt ở bên ngoài cửa hiệu đem vào nện mạnh nhiều cái vô tấm kính nhưng nó chỉ rạn nứt chứ không bể hẳn ra. Hơn nữa, lại còn thêm một lượt chấn song sắt ở phía trong, nên dẫu nó có bể nát, người bên ngoài cũng không thể xông vô được. Thêm vài cú nện nữa, cánh cửa để lộ ra một lỗ hổng đủ để Tuấn Khanh ghé mắt nhìn bên trong. Anh hét to:  - Hoàng Huy, ông mở cửa ra. Pháp luật không để yên cho ông tiếp tục hại người.  Không có tiếng đáp lại dù Tuấn Khanh đã gào đến khản cổ. Anh hoang mang bảo bà Diễm Hương đang lập cập cạnh bên:  - Đúng là một tên ngoan cố số một.  Bà Diễm Hương run giọng:  - Hắn nhất quyết không chịu phục thiện đâu.  - Xưa kia ông Hoàng Huy có phải là kẻ ác ôn không?  - Chỉ khi tôi không còn là vợ hắn, hắn tự biến thành một con người dễ sợ.  - Phải chăng ông ta có oán hận bà?  Nghe hỏi, bà Diễm Hương cúi đầu:  - Lẽ ra hắn phải biết thông cảm cho tôi nếu hắn yêu tôi thật sự.  Chẳng phải kẻ tò mò, nhưng trước tình tiết của câu chuyện Tuấn Khanh bỗng nôn nao muốn biết:  - Bà có thể nói rõ hơn vấn đề được chứ?  Làn da mặt đang nhợt nhạt của bà Diễm Hương vụt pha đậm sắc đỏ hồng. Trông cử chỉ của bà rất ngượng nghịu:  - Chuyện riêng của chúng tôi mà để cho cậu biết thì kỳ quá. Nhưng không nói cậu lại nghĩ xấu về tôi.  Thấy người phụ nữ có vẻ khó mở lời, Tuấn Khanh tế nhị ngăn bà ta lại:  - Thôi để lúc khác vậy. Việc cần thiết bây giờ là phải xông vào được bên trong.  Bà Diễm Hương tỏ ra can đảm hơn:  - Đúng. Phải xông vào bên trong mới biết được hắn đang làm gì em gái tôi.  Giật thanh gỗ trên tay Tuấn Khanh, bà Diễm Hương dùng hết sức mình đập vào cánh cửa kính dày cộm làm nó bể toang thành một lỗ hổng lớn.  Bây giờ thì cả hai có thể nhìn thấy rõ mọi vật ở căn phòng kín bên trong. Nhưng chẳng có bóng một ai, lẽ nào ông Hoàng Huy đã độn thổ chui xuống đất.  Bà Diễm Hương kêu lên trước:  - Gã nghệ nhân này còn có cái tài tàng hình nữa hay sao?  Tuấn Khanh cũng nhìn cô nói:  - Dẫu có tàng hình thì ông ta cũng không thể làm biến mất một tử thi và một người còn sống khác. Chắc chắn bên trong có căn phòng ngầm, nhất định ông Hoàng Huy đã đưa họ vào đó.  Bà Diễm Hương chợt kêu lên:  - Dường như có một cầu thang dẫn lên lầu ngay sát bức vách này.  Tuấn Khanh chớp nhanh mắt:  - Ồ, sao chúng ta lại không nghĩ ra sớm cơ chứ. Đến giai đoạn này thì phải nhờ tới chính quyền tiếp tay thôi.  Bà Diễm Hương nói:  - Chuyện ấy để cho tôi. Cậu hãy nghĩ cách khống chế gã điên khùng ấy trước.  Không có thời gian bàn bạc lâu, Tuấn Khanh chạy ào ra khỏi cửa hiệu rồi nhóng mắt nhìn lên tầng lầu cao ngất trụ ở phía gian trong, cách mặt tiền hơn chục mét.  Chà, khó lòng mà leo lên đó bằng con đường tắt, nhưng dẫu khó tới đâu anh cũng phải làm vì tính mạng của Hương Lan đang nằm trong tay gã Hoàng Huy cuồng loạn. Rất có thể sự chậm trễ của anh sẽ gây ra cái chết cho cô.  Đầu vừa nghĩ là tay chân hành động ngay, Tuấn Khanh không sợ nguy hiểm cho bản thân đã tìm cách leo lên mái nhà và anh đã bị trượt té. Mặc dù vậy, Tuấn Khanh vẫn không chịu bỏ cuộc mà lại tiếp tục trèo lên, ngã xuống nhiều lần tới khi ngồi được trên mái nhà của cửa hiệu Hoàng Huy.  Có một số người hiếu kỳ tụm lại để coi và trong mắt họ, anh đúng là một tên điên không phải kẻ bình thường. Cũng chẳng cần phân bua hoặc giải thích việc mình làm, Tuấn Khanh mãi lo chuyện cứu người nên chỉ hướng về phía tầng lầu mà anh phải trèo được qua bên đó!  Nói đến ông Hoàng Huy thì sau khi chạy thoát được vô trong nhà ông đã hiểu mọi việc đến đây sẽ phải chấm dứt. Nhưng ông quyết không cam lòng như thế! Ông cần phải sáng tạo thêm thật nhiều pho tượng và cần phải trả thù cho cái số phận khốn kiếp của ông.  Chẳng phải người vợ cũ của ông đang ở bên ngoài cửa hiệu đó sao? Nhất định bà ta chưa thể bỏ đi, bà ta còn phải nán lại để hỏi han ông về cô em gái cưng của mình chứ.  Ông Hoàng Huy thật không ngờ Diễm Hà có liên quan tình thân với người vợ cũ. Khi sát hại cô ta, ông chỉ cho đó là một ả đàn bà đẹp không thể sống để làm tổn thương đến cánh đàn ông đang trong hoàn cảnh khốn đốn như ông. Khi xưa, còn chung sống với bà Diễm Hương thì cô em vợ này chỉ mới là một đứa bé gái kháu khỉnh, dễ thương. Nó thường được ông cho quà và cũng quý mến ông. Vậy mà bẵng đi một thời gian dài, sau khi chị nó bỏ rơi ông, nó lớn lên xinh đẹp nhưng tính tình lại giống hệt chị nó. Vừa gặp lại, tuy không nhận ra đó là em gái của vợ cũ song với những cá tính ấy và sắc đẹp trời cho ấy thì nhất định cô ta không có quyền được sống thêm. Thế là ông đã hành động theo ý nghĩ độc lập bấy lâu nay. Người mẫu Diễm Hà đã bị biến thành tượng bổ sung vào quân số tác phẩm nghệ thuật trong cửa hiệu của ông.  Tiếc thay, bọn nhóc con kia đã làm hỏng hết quá trình sáng tạo gian khổ của ông. Làm lộ hết bí mật mà bao năm nay ông ra sức giữ kín. Không, ông phải biến tất cả phụ nữ trên trái đất này thành tượng nghệ thuật để họ đáng yêu hơn, để họ không có cơ hội phản bội. Nhưng còn thời gian, liệu ông còn được bao lâu nữa để làm việc, khi bên ngoài cánh cửa cách ly đang bị người ta dùng vật cứng phá cho nó bung ra. Mỗi tiếng dội mạnh vang lên mà lòng ông Hoàng Huy lại nhói đau. Ông không thể để cái công trình sáng tạo này tiêu tan khi ông vẫn còn hơi thở. Phải tranh thủ, phải biết tận dụng thời khắc ít ỏi để tiếp tục đắp tượng.  Và ông đã ra sức đưa hai người phụ nữ, một đã chết từ lâu và một còn thoi thóp thở lên lầu cao. Ông Hoàng Huy mắng Hương Lan khi vác cô:  - Con bé đáng ghét này, ta sẽ chôn sống mi trong pho tượng thứ hai mươi bảy để gọi là trừng trị mi cái tội đã làm hỏng hết công trình sáng tạo cả đời của ta. Hôm nay ta sẽ trổ tài đắp một lúc hai pho tượng để khi bọn người bên ngoài xông được vô đây thì các ả đã chìm lỉm trong lớp vữa.  Lên tới chỗ vẫn dùng làm nơi đắp tượng, ông Hoàng Huy bắt tay ngay vào việc.  Với cái xác của người mẫu Diễm Hà thì ông tạo lại tư thế đúng y như cũ, còn Hương Lan, vì cô vẫn còn sống nên thân thể mềm oặt, ông buộc phải tạo thế nằm cho cô. Hì hục trộn vữa đắp đắp, nặn nặn, hai bàn tay của ông Hoàng Huy bỗng trở nên nhanh nhẹn hẳn. Có lẽ trong đời mình ông chưa từng phải làm việc theo kiểu gấp gáp như thế! Nhưng đã gấp thì không thể ra hồn được, mặc dù cố đắp nặn đến mệt phờ người ra song khi nhìn lại chẳng phải là tượng mà giống như cái khối vữa lem nhem không có hình thù gì. Dù vậy, ông Hoàng Huy vẫn gắng sức một cách điên khùng cho tới lúc hai thi thể một sống một chết bị đắp vữa lên tới cổ rồi đến phần đầu:  - Hà hà hà, rồi ta sẽ sửa dáng các cô sau. Đừng lo mình không đẹp bằng các pho tượng bên dưới. Ông Hoàng Huy vừa nói, vừa dừng tay để thở. Nhưng ngay lúc ấy, một bóng người đã lao tới làm hụt hẫng ý tưởng mãn nguyện của ông.  Là Tuấn Khanh. Chàng trai đã bất chấp mọi nguy hiểm vì nỗi an nguy của cô bạn gái. Anh quát to khi vừa giáp mặt với ông Hoàng Huy:  - Mau dừng hành động giết người lại đi! Ông sẽ bị pháp luật trừng trị nếu vẫn còn ngoan cố.  Rồi anh nhìn nhanh vào hai khối vữa và hỏi:  - Hương Lan đâu? Mau trả cô ấy lại cho tôi.  Ông Hoàng Huy không thèm chỉ mà còn ngửa cổ cười, đưa cả hai bàn tay dính đầy vữa lên trời:  - Ha ha ha, có lẽ giờ này hồn cô gái ấy đã thăng thiên rồi, muốn tìm thì phải bay lên thôi.  Một cái nhói đau thót ra từ nơi tim khiến Tuấn Khanh không thể kiên nhẫn bật lên câu hỏi tiếp. Anh tự tay hành động bằng cách nhảy xổ đến bên cạnh khối vữa đứng còn đang ướt đẩy thật mạnh cho nó lăn kềnh ra. Quả nhiên, anh đã tìm thấy người bên trong nhưng lại là xác của Diễm Hà.  Không ngừng lại, Tuấn Khanh quay ngoắt sang khối vữa có dáng người nằm dài chụp đại vào phần cao nhất vuốt xuôi xuống. Nhưng động tác ấy của anh không thể lặp lại lần thứ hai vì ông Hoàng Huy đã phản ứng khi thấy công trình khổ nhọc của mình bị phá hủy.  “Bốp”. Một cú nện thật mạnh bằng cán xẻng của ông Hoàng Huy đập xuống đầu Tuấn Khanh làm anh choáng váng, mặt mũi tối sầm, không còn sức để phát ra cử chỉ tự vệ nào ngoài việc ngã vào đống vữa. Trước khi ngất đi anh còn nghe rõ tiếng bước chân chạy rầm rập của nhiều người rất gần. - Bỏ hung khí xuống, ông không được tiếp tục gây tội ác!  Đang giơ cao chiếc xẻng định kết liễu đời tên thanh niên đã làm hỏng hết bao nhiêu công sức của mình thì tiếng quát đanh thép của ai đó khiến ông Hoàng Huy chựng lại. Trong khi ông ta chưa kịp nhìn rõ kẻ nào ngăn cản mình, hai cánh tay đã bị giữ chặt và ngay lập tức nằm gọn giữa chiếc còng số tám. Chưa hết, ông còn bị một người đàn bà sỉ vả:  - Dáng dấp trí thức thế này mà hành vi giống như tên đồ tể. Hoàng Huy, tôi căm hờn ông vì ông đã giết chết em gái tôi.  Rồi bà ta vật vã trước cái xác lem nhem đầy chất vữa kêu la:  - Ôi, Diễm Hà ơi, em chết thảm quá em ơi!  Những người đang hiện diện không có thời gian nghe bà ta khóc nên lên tiếng:  - Hãy lo cứu người đã. Trước tiên phải đưa cậu này đi bệnh viện.  Bỗng có ai đó phát hiện thêm:  - Một cô gái đắp tượng vẫn còn thở, mau gạt lớp vữa ra để cứu người!  Người đàn bà nhóng cao cổ với một chút hy vọng khẽ lóe lên trong mắt nhưng rồi vội tắt ngấm vì bà hiểu rằng đó chẳng phải em gái mình. Bà lại gào lên thảm thiết:  - Diễm Hà em hỡi, em ơi. Hu hu hu, trả lại mạng cho em tôi!  Rồi thấy ông Hoàng Huy chưa bị điệu đi, bà đã lao tới cấu xé người chồng cũ:  - Khốn khiếp, tôi nguyền rủa ông sẽ phải chịu khung hình phạt cao nhất của luật pháp. Dẫu có là ma xuống âm ty địa phủ rồi vẫn phải chịu tội ném vô vạc dầu vì ông đã dám giết em tôi.  Da mặt ông Hoàng Huy tái xám trước sự việc đổ bể nhưng bờ môi lại mím chặt chưa thoả mãn:  - Nếu giết chết được cả em thì dù bị phân xác làm trăm mảnh tôi cũng thấy hài lòng. Rất tiếc là tôi không còn cơ hội.  Chỉ nói được tới đây, ông Hoàng Huy bị dẫn đi trở xuống lầu. Đến chỗ đầu cầu thang, ông bỗng đẩy người đang thừa hành nhiệm vụ sang một bên rồi lao mình xuống với ý định tự vẫn. Một tiếng “huỵch” vang lên khá mạnh kèm theo tiếng la ó của những người đang có mặt gây ra bối cảnh náo loạn, ầm ĩ lên. Nhưng việc trốn chạy của ông Hoàng Huy không được toại nguyện bởi độ cao của cầu thang chẳng đủ đưa ông về thế giới bên kia, chỉ khiến ông bị chấn thương nhiều chỗ trên thân thể.  Lúc này, người ta thông báo là đã phát hiện thêm hai mươi lăm xác người nữa nằm trong các pho tượng của ông Hoàng Huy. Nghe tin đó, ai cũng rùng mình.   Tại bệnh viện dù được coi là nhân chứng quan trọng cần cấp cứu trước tiên nhưng Hương Lan lại không hề hấn gì và đã tỉnh sau khi lượng thuốc mê trong người hết công dụng. Cô ngơ ngác nhìn quanh rồi nghe các nhân viên y tá của bệnh viện kể sơ lược lại quá trình đã cứu cô. Nghe xong, Hương Lan chớp mắt kêu:  - Thế mà tôi cứ ngỡ hồn mình đã du địa phủ rồi chứ.  Một cô y tá nói:  - Trong ba người bị đưa vô đây cấp cứu thì chị là nhẹ nhất. Còn hai người đàn ông, ai cũng đều nặng cả.  Hương Lan khẽ nhíu mày:  - Đàn ông, những hai người cơ à?  Cô y tá gật đầu:  - Hai người. Một trẻ, một già. Anh thanh niên bị thương phần đầu hơi nặng và mất khá nhiều máu.  Tự dưng Hương Lan thảng thốt lên:  - Tuấn Khanh, có phải là Tuấn Khanh không?  Cô y tá tròn mắt:  - Tôi không biết tên tuổi của anh ta, chỉ biết anh ta được đưa vô đây cấp cứu cùng với cô.  - Còn người già?  - Không già đâu. Chỉ nói thế để dễ phân biệt thôi, chứ ông ta ở độ tuổi trung niên. Đặc biệt người đàn ông này dẫu đang bị thương nặng vẫn có người canh giữ. Chắc ông ta là tội phạm.  Trò chuyện tới đó, Hương Lan đã hiểu được phần nào sự việc.  Phải chăng vì cứu cô mà Tuấn Khanh bị thương nặng đến thế?  Gã Hoàng Huy thật độc ác, nhưng sao hắn cũng bị thương. Họ đã ẩu đả với nhau chăng?  Còn cái xác chết của Diễm Hà thì sao?  Ôi, cứ hễ nghĩ tới là Hương Lan lại rùng mình. Không biết ấn tượng này sẽ làm cho cô phải khiếp hãi đến bao giờ mới hết. Ngồi im trên giường bệnh một lúc cho tâm thần thật tỉnh táo, Hương Lan mới hỏi tiếp cô y tá:  - Người thanh niên kia hiện giờ ở đâu?  Cô y tá chịu khó nói:  - Trong phòng cấp cứu, người không phận sự chẳng thể vào được đâu.  - Nhưng tôi là bạn của anh ta.  - Cũng không ngoại lệ được. Việc của chị hiện giờ là nghỉ ngơi chờ người ta đến thẩm vấn. Tôi nghe nói loáng thoáng đây là một vụ án rất nghiêm trọng, có nhiều người chết.  - Sao?  - Chị là người trong cuộc mà còn ngạc nhiên ư?  Nét mặt Hương Lan ngẩn ngơ:  - Tôi chẳng hiểu gì cả.  Cô y tá nhìn Hương Lan nói:  - Liệu sau sự kiện ghê gớm này chị có mắc phải chứng hoang tưởng không?  Nghe hỏi thế, Hương Lan chợt nổi nóng:  - Vậy trong mắt mọi người hiện giờ tôi sắp thành người điên à?  Cô y tá vội xoa dịu:  - Ồ, chớ có quá kích động. Làm người điên cũng khó, không phải dễ đâu nghe. Tình huống này chỉ có thể xảy ra cho hai người đàn ông thôi. Còn chị chắc chỉ mắc thêm chứng sợ ma.  Hương Lan tròn mắt, trái tim trong người cô thoi thóp bởi hai từ “sợ ma” vừa được nghe.  Chẳng phải những ngày vừa qua cô đã quá sợ rồi sao? Ôi nghĩ lại mà thấy ghê. May cho cô là cái xác chết của Diễm Hà không bốc mùi xú uế và hồn ma bị thác oan uổng của cô ta cũng không quậy quạng gì. Chứ nếu không, trái tim “thỏ đế” của Hương Lan dễ gì còn thoát ra nhịp đập.  Cô phải dùng tay xoa lên các khoảng da thịt đang nổi gai để tự trấn an mình.  Ngay lúc đó, cô y tá bận việc ra khỏi phòng. Hương Lan cũng vội đi theo. Đi dọc dãy hành lang bệnh viện, qua cửa phòng nào cô cũng ghé mắt ngó với hy vọng tìm thấy chỗ Tuấn Khanh nằm. Mải nhìn, cô va phải một chiếc xe đẩy xác đi ngang qua và sợ hãi thét rú lên:  - Á!!!  Cùng lúc với tiếng kêu là những hình thù ma quái xuất hiện, chờn vờn chung quanh, khiến Hương Lan ôm đầu bỏ chạy và cô đã tông thẳng vào phòng cấp cứu để rồi bị điệu trở ra.  Chợt có người gọi tên cô:  - Hương Lan!  Đang hoảng loạn, nhưng vừa nghe tiếng gọi quen quen, Hương Lan đã dừng lại dáo dác:  - Tuấn Khanh... phải Tuấn Khanh đó không?  Tiếng đáp lại từ một giường bệnh nhân bị quấn băng kín cả đầu, đang truyền dịch trông có vẻ rất nặng. Giọng nói đáp lại thều thào, khó nghe:  - Tôi đây!  Hương Lan nhảy xổ tới:  - Ôi, sao lại đến nông nổi này?  Mấy bóng áo trắng đang có mặt trong phòng ngăn cô lại:  - Bệnh nhân này vừa mới tỉnh, chưa thể tiếp xúc nói nhiều được. Yêu cầu cô đi ra.  Hương Lan òa khóc:  - Không. Tôi là người thân duy nhất của anh ấy tại thành phố này. Xin cho tôi được ở đây chăm sóc anh.  Đề nghị của cô không được chấp thuận nên Hương Lan vẫn bị đẩy ra:  - Mong cô chấp hành nội quy của bệnh viện. Đây là phòng cấp cứu, người không phận sự không được vô.  Ở bên ngoài cánh cửa kính cách ly. Hương Lan giãy đành đạch:  - Cho tôi gặp anh ấy... anh cần có tôi ở bên cạnh.  Nhưng phải đến mấy ngày sau cô mới có cơ hội chăm sóc cho Tuấn Khanh ở phòng hồi sức và vô cùng thất kinh khi nghe những lời kể về chuyện đã xảy ra. Tuy gặp nạn nhưng lòng cô thấy thoang thoảng niềm vui vì người thanh niên đó đã cứu cô mà quên cả tính mạng của mình.   Đang chuẩn bị để ra viện thì Hương Lan đến dẫn theo người phụ nữ mà Tuấn Khanh cũng từng biết. Bà ta trao gói quà vào tay anh nhưng ánh mắt buồn hiu:  - Có ít đường, sữa biếu cậu dùng cho mau lại sức.  Tuấn Khanh cảm thấy lòng khó nghĩ:  - Bà làm tôi ngại quá. Nếu đây là sự trả ơn tôi không dám nhận đâu.  Bà Diễm Hương vỗ vai anh:  - Cậu nghĩ ngợi chi nhiều, ơn cứu mạng của cậu làm sao tôi trả nổi, chút quà mọn là tấm lòng tôi...  Dù còn rất yếu nhưng Tuấn Khanh cố bật cười vui vẻ:  - Bà nói ra tôi mới nhớ rằng mình cũng đã mắc nợ... nếu như trong tình huống khẩn cấp ấy bà không chạy đi báo với chính quyền kịp thời thế chắc đầu tôi đã bị chiếc xẻng của gã Hoàng Huy chẻ đôi rồi. Không khéo giờ này tôi cũng đã hội nhập vào đội quân ma nữ trong cửa hiệu trưng bày quỷ quái của gã nghệ nhân mất tính người.  Bà Diễm Hương sụt sịt khóc:  - Híc híc híc, kể ra thì mọi tội lỗi của Hoàng Huy xuất phát từ sự hận thù của người đàn ông bị bỏ rơi. Cậu còn nhớ câu chuyện tôi kể cho cậu nghe nửa chừng không? Thú thật, sau sự việc này xảy ra tôi cũng thấy hổ thẹn lắm, và cả lương tâm ray rứt nữa. Tất cả đều tại tôi.  Hương Lan vội tìm lời an ủi:  - Bà không cần phải nhận lỗi. Ông Hoàng Huy đã giết rất nhiều người thì ông ta phải chịu sự trừng trị của luật pháp, bà đâu có liên quan. Hơn nữa, ông ta còn cướp đi mạng sống của em gái bà.  Nước mắt chảy thành dòng trên má người phụ nữ tuổi xuân đã về chiều. Bà Diễm Hương nghẹn ngào:  - Diễm Hà chết thật oan uổng, nhưng đáng thương hơn là đã bị Hoàng Huy sát hại rồi đem đắp thành tượng.  Tuấn Khanh đưa mắt nhìn chung cả hai người phụ nữ, anh dò hỏi:  - Ngoài cô người mẫu Diễm Hà ra còn có bao nhiêu kẻ hứng chịu cơn hận thù của gã nghệ nhân ấy?  Bà Diễm Hương thẫn thờ nói:  - Nhiều vô kể. Mỗi pho tượng là một người bị thác oan.  Nghe qua, Tuấn Khanh sững sờ đến nỗi không nói được thành câu. Anh thật sự không ngờ mức độ nghiêm trọng như thế. Tiếng Hương Lan khe khẽ ở bên tai:  - Cứ nghĩ đến chuyện này là khắp người tôi lại nổi gai. Tôi nhớ có lần anh Khanh đã nói đùa cái cửa hiệu trưng bày ấy giống như nghĩa trang ẩn mình, thế mà lại đúng. Hôm người ta phá hủy những pho tượng để lấy xác, tôi không dám đến gần xem chỉ nghe lời kháo qua, kháo lại mà cũng sợ chết khiếp. Thì tại tôi đã có quãng thời gian sống và làm việc giữa bao nhiêu xác chết. Ôi, hễ nhớ tới là tôi lại bủn rủn toàn thân.  Thái độ của Tuấn Khanh không như cô. Anh lộ vẻ đau xót ra ngoài mặt:  - Đâu có gì đáng cho chúng ta phải khiếp hãi, mà cần thương cảm người đã chết nhiều hơn.  Rồi anh quay hỏi bà Diễm Hương:  - Cô Diễm Hà đã được an táng chưa?  Hai hàng lệ trên má bà Diễm Hương vẫn tuôn chảy. Bà nấc lên từng chặp:  - Xác em gái tôi cũng như những xác được tìm thấy trong các pho tượng tại cửa hiệu đều phải đem đi hoả táng chứ không thể chôn cất như người bình thường, bởi tất cả đã bị ướp hóa chất thịt da sẽ chẳng phân hủy được.  Tuấn Khanh khẽ gật:  - Hèn gì khi chúng tôi phát hiện ra xác cô Diễm Hà cho đến lúc sự việc kết thúc tuyệt nhiên không có mùi xú uế. Ông Hoàng Huy cũng thuộc loại đồ tể cao tay.  Bà Diễm Hương tiếp lời anh:  - Tôi vừa tiếp xúc với bác sĩ thì vấn đề chúng ta đang nghĩ về ông Hoàng Huy hoàn toàn sai cả bởi theo kết luận của bác sĩ chuyên môn và ban chuyên trách vụ án gã nghệ nhân này là một con bệnh rất đặc biệt. Sở dĩ ông ta có hành vi tội ác là do phải chịu đựng một cơn sốc tình cảm quá nặng mà chính tôi đã trực tiếp gây ra.  Ngừng lại một chút để tăng cường hơi thở, bà Diễm Hương đi đi, lại lại trong khi nói:  - Ngày trước lúc mới cưới được tôi, Hoàng Huy yêu tôi lắm! Thậm chí tôi được coi là một nữ hoàng trong lòng của ông ta. Khoảng thời gian hạnh phúc của chúng tôi kéo dài chỉ một năm thì tai họa ập đến làm rã tan tất cả. Vì cứu tôi, ông ta đánh mất cái chức năng của một người chồng khiến tôi một cô vợ trẻ sinh lực dồi dào, tuổi xuân đầy ham muốn đã không thể chấp nhận được và tôi quyết định bỏ ông ta.  Hương Lan xen giọng vô:  - Bà cư xử như thế mà không thấy áy náy sao?  Gương mặt còn rất đỗi thu hút của bà Diễm Hương sượng sùng:  - Trước sự thống khổ của ông ta tôi cũng rất ray rứt. Nhưng sau đó tôi gặp người đàn ông khác, tôi buộc phải chấm dứt mọi quan hệ với ông ta.  - Từ đó ông Hoàng Huy mới nuôi ý định trả thù tất cả những người đàn bà?  Bà Diễm Hương cúi gằm xuống:  - Có lẽ vậy nên mới xảy ra các sự kiện mà chúng ta đã thấy.  Tuấn Khanh biện bạch giùm cho người đàn ông:  - Xét cho cùng ông ta cũng là nạn nhân.  Bà Diễm Hương thở dài:  - Sau cú tự tử để trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật nhưng không chết ông ta đã bị tổn thương vùng não khá nặng đến độ chẳng còn nhớ gì cả. Đã vậy, đôi chân cũng bị gãy phải ngồi trên xe lăn suốt đời...  Mặc dù rất khiếp sợ ông ta. Hương Lan cũng chắt lưỡi xuýt xoa:  - Bất hạnh quá, sống như thế thà chết đi cho đỡ khổ.  Tuấn Khanh bèn nói nhạo:  - Cô trù ẻo ông ta chết để thế gian này có thêm một hồn ma bám theo cô mà nhát hả?  Hương Lan nhảy đong đỏng:  - Nói bậy, anh thừa biết rằng tôi không thích hợp với những điều rùng rợn ấy.  Tuấn Khanh cười tươi rói:  - Nhưng hiện tại có gì đáng sợ đâu. Hương Lan, cô có muốn đi thăm ông chủ của cô không?  Chẳng cần tốn thời gian suy nghĩ, Hương Lan chối đây đẩy:  - Nếu gặp lại ông ấy tôi sẽ phải sống trong sự khủng hoảng cả đời. Tốt hơn hết là không thăm, không hỏi.  - Cô là con người không có chút tình nghĩa.  Bị trách, Hương Lan đỏ mặt cãi:  - Đó là đối với một mình ông ấy? Còn anh tôi nguyện sẽ có tình.  - Cô sẽ đến thăm tôi thường xuyên à?  - Cứ cho là như vậy.  - Nhưng hôm nay tôi đã xuất viện rồi.  - Tôi sẽ tới nơi anh ở trọ.  Tuấn Khanh làm động tác hít hơi dài rồi thở mạnh:  - Tiếc thật, tôi chỉ còn lưu lại thành phố này vài ngày nữa rồi sau đó trở về quê.  Hương Lan hỏi hấp tấp:  - Để làm gì? Chẳng lẽ mới xa nhà tự lập có ít lâu, anh đã không chịu đựng nổi.  - Không phải không chịu nổi mà là tôi mệt mỏi, tôi muốn trở về lập gia đình.  Lời Tuấn Khanh nói rất nhẹ nhàng nhưng Hương Lan lại kêu toáng:  - Cái gì? Anh về nhà lấy vợ ư?  Điệu bộ của Tuấn Khanh thật buồn cười: -  Thì trước sau gì cũng phải thế thôi mà. Phải chi tôi nghe lời ba má tôi cưới đại cô gái mà ông bà đã chọn thì đâu phải trải qua những ngày tháng này. Quả là không đâu êm ấm và bình yên bằng chính nhà mình.  Chờ nghe Tuấn Khanh nói dứt câu, Hương Lan khóc:  - Hu hu hu, sao mỗi người một nơi mà số phận trớ trêu lại giống nhau quá vậy? Anh lại bị buộc cưới vợ, còn tôi thì bị ép gả chồng cũng bất mãn trốn đi, rồi lại gặp nhau tình huống éo le. Bây giờ anh tỉnh ngộ quay về, còn tôi biết dự tính gì cho mình chứ.  Sau một lúc cắn môi nghĩ ngợi,Tuấn Khanh thân ái đặt bàn tay mình lên vai cô gái:  - Tại sao Hương Lan không làm như tôi, trở về nhà với cha mẹ mình để nhận được sự quan tâm, bao bọc. Thật ra thì chúng mình chưa đủ lông cánh để bay ra vùng vẫy giữa bầu trời rộng bao la đâu.  Hương Lan vừa khóc vừa nói:  - Anh trở nên yếu đuối từ bao giờ vậy hả?  Tuấn Khanh xoa khẽ vùng đầu bị thương:  - Từ lúc tỉnh lại trên giường bệnh, tôi cứ nghĩ mãi chuyện nếu như mình thiệt mạng sau vụ việc vừa qua thì chắc chắn sẽ làm đau lòng những người thân. Cô không biết đó thôi, tôi là “hạt giống” duy nhất của dòng họ, khi tôi trốn đi chắc chắn ở nhà sẽ ầm ĩ cả lên. Không chừng mọi người đang tốn công sức bủa đi tìm tôi cũng nên.  Nghe Tuấn Khanh nói, Hương Lan cũng mếu máo thổ lộ:  - Thì gia đình nào mà chẳng vậy. Tuy không tận mắt chứng kiến nhưng tôi linh cảm ba má tôi rất lo lắng và đổ nhiều nước mắt khóc vì tôi.  - Thế thì còn chờ gì mà cô không chịu về nhà đi?  - Cám ơn sự động viên của anh. Điều tôi ngần ngại là sợ bị ép lấy chồng, nhất là phải lấy người mình chưa hề có tình cảm.  Tự dưng Tuấn Khanh hỏi:  - Cho phép tôi được tò mò một chút trong lòng cô thật sự có ai chưa?  Hương Lan bẽn lẽn vì có thêm người thứ ba là Diễm Hương đang hiện diện kế bên nên không thể thổ lộ. Cô cắn môi quay mặt đi hướng khác nói lí nhí trong cổ họng:  - Lẽ đương nhiên là phải có, lớn chừng này chứ đâu phải là trẻ con.  Ngày trở về quê, tuy không hẹn mà cả hai lại gặp nhau ở bến xe. Vừa cầm vé quay ra, Tuấn Khanh đã đụng phải Hương Lan đang xếp hàng phía sau. Anh vừa thích thú, vừa ngạc nhiên:  - Ủa, cô cũng về chung tuyến đường với tôi sao?  Hương Lan mở to mắt, dáng điệu buồn:  - Có thể chung tuyến nhưng lại cách xa đường đất vì mỗi người ở mỗi địa phương khác nhau.  Tuấn Khanh xốc chiếc túi nặng trĩu một bên vai, cười thật tươi:  - Được gần gũi thêm vài giờ cũng đã tốt lắm rồi. Còn những gì chưa nói hết ta tranh thủ nói kẻo không còn cơ hội. Nào, để tôi mua vé giùm cô.  Rồi không chờ nhận tiền của Hương Lan đưa, Tuấn Khanh quay lại mua thêm một tấm vé nữa.  Lúc sau anh quay ra kéo tay cô:  - Đi, xe đậu ở đàng kia!  Với mớ hành lý cũng không nhẹ nhõm gì, Hương Lan lục tục theo sau Tuấn Khanh, lòng ngổn ngang trăm mối. Quyết định trở về quê với Hương Lan là sự miễn cưỡng chứ chẳng phải cô có ý muốn quay về. Bởi cô rất sợ cha mẹ mình chưa hiểu ra vấn đề lại tiếp tục ép con. Mà lấy một người không thương lúc này càng không thể chấp nhận vì trái tim cô đã có nơi vương vấn. Ôi, phải chi cô có thể nói ra được điều mong muốn.  Ngồi yên vị ở hàng ghế đầu tiên xe nhưng Hương Lan cứ thở dài liên tục. Thỉnh thoảng, cô lại liếc sang phía Tuấn Khanh rồi quay đi khi không bắt được tín hiệu nào nơi anh. Khoảng thời gian chờ đợi chiếc xe bán đủ vé khởi hành cũng hơi lâu nhưng Tuấn Khanh chỉ nói với cô mỗi một câu:  - Nếu có say xe thì hãy uống thuốc vào.  "Hừm, thế mà cứ tưởng anh ta sẽ nói với mình câu quan trọng nhất đời người kia chứ". Trái tim Hương Lan thầm hậm hực trong lồng ngực và vẻ mặt cô thì cau lại như kẻ vừa nhấm phải ớt cay. Cô chẳng thèm đáp lại lời Tuấn Khanh, mắt đăm đăm nhìn thẳng về phía trước.  Lúc chiếc xe bắt đầu lăn bánh để tách bến, cô mới nghe Tuấn Khanh hỏi tiếp câu thứ hai:  - Bộ cô không thích về nhà sao mà trông buồn quá vậy?  Hương Lan nhếch môi như người ốm không thể gượng nói nổi:  - Buồn hay vui là tâm trạng của riêng tôi, anh cần chi biết đến.  - Nhưng chúng ta đã là bạn, chẳng lẽ lại không quan tâm tới nhau.  - Thì anh cứ vui với niềm vui sắp sum họp của mình đi. Nếu có nghe lời gia đình cưới vợ thì nhớ mời tôi tới dự với.  Lời Hương Lan chứa đựng nhiều trách cứ nhưng Tuấn Khanh thì lại như không hiểu, trông anh vô tư tới mức độ đáng ghét:  - Cô không cần phải nhắc. Ngày trọng đại của tôi nhất định phải có đông vui bạn bè, không thể sót một ai. Cô sẽ là người nhận thiệp mời trước tiên.  Trong mắt Hương Lan dường như đang lấp lánh hai giọt nước, chỉ cần cô chớp nhẹ tức thời nó sẽ vỡ òa ra tràn khỏi mi. May thay, một luồng gió thốc mạnh vào trong xe để Hương Lan có cơ hội lau nhanh những giọt lệ nóng ấm, không cho Tuấn Khanh kịp nhìn thấy.  Chiếc xe tốc hành vẫn đều đều lăn bánh đưa số hành khách tới nơi họ cần đến. Chuyến đi khá dài nên ngoài vài người hay chuyện, hầu hết ngủ gà, ngủ gật. Tuấn Khanh và Hương Lan không ngồi chung một hàng ghế, nói qua lại được ít câu rồi cũng im lặng với những suy diễn riêng tư. Từ trong đầu Tuấn Khanh, chẳng phải anh không nghĩ tới Hương Lan. Nhưng cô gái ấy với anh cứ như lửa và nước, ở cách xa thì thấy nhớ nhung quyến luyến, nhưng vừa gặp mặt lại khắc khẩu thế nào. Thời gian qua quen và tiếp xúc với Hương Lan, anh cũng đã tự hỏi lòng mình có thể chấp nhận mẫu người như cô không? Đôi khi Tuấn Khanh cảm nhận được một điều gì rất lạ chợt len lỏi vào tim, thứ mà anh cho là lạ lẫm ấy thật dịu êm, tạo trong anh cảm giác của người đang choáng ngợp giữa biển khơi hạnh phúc. Đấy phải chăng là tình yêu, là thiên đường mà người người đều mơ đạt được nó? Nhưng phải nói câu tỏ tình với cô ta thật khó, bởi anh lo Hương Lan không chấp nhận thì anh chẳng biết độn thổ vào đâu trong cái thế giới bé nhỏ này. Thôi, cứ phó mặc cho ông trời. Có duyên tất sẽ dun rủi hai bên nhích tới còn không thì tự động cách xa. Với ý nghĩ đó nên Tuấn Khanh đã trở thành kẻ vô tâm trước sự chờ đợi của Hương Lan cho đến lúc cả hai phải chia tay.  Chiếc xe dừng lại ở ngay một ngã ba và cô gái đã nuốt lệ bước xuống:  - Chúc anh may mắn và hạnh phúc...  Ngồi trên xe Tuấn Khanh cũng vẫy tay lại với Hương Lan:  - Tôi chúc cô giống hệt cô đã chúc cho tôi.  Hương Lan ngước mắt nói với theo:  - Xin đừng quên tôi nhé!  Cơn xúc động trong lòng Tuấn Khanh bây giờ mới trào dâng. Anh cảm thấy nghẹn ở cổ nhưng cố bật lên thành tiếng:  - Cô cũng phải luôn nhớ tôi. Rảnh nhớ viết thư tâm sự với tôi nghen.  Chiếc xe lại tiếp tục lăn bánh không cho họ có nhiều thời gian để thổ lộ ra chuyện thầm kín bên trong. Khoảng cách giữa hai người bắt đầu xa dần đến lúc họ không còn nhìn thấy nhau được nữa.  Đứng chơ vơ giữa ngã ba đường, Hương Lan không dám khóc nhưng những giọt lệ đong đầy trong mắt đã tràn hết ra ngoài.  Đúng là ông trời không hề có ý sắp đặt cô và người thanh niên ấy được ăn đời ở kiếp với nhau. Đành vậy chứ phải biết tính sao, dẫu có thét lên van xin anh ta cũng đã đi mất rồi.  Buồn bã, Hương Lan xách hành lý đi chầm chậm về phía ngôi làng đang ẩn hiện mãi đằng xa.  Chẳng biết có ai đón nhận sự trở về của cô không?  Nhưng dù phải chịu hình phạt ra sao cô cũng đành chấp nhận vì cánh chim non không đủ sức bay xa, đúng như Tuấn Khanh đã nói.  Từng bước rồi từng bước, đi mãi một hồi lâu Hương Lan cũng đã về tới trước cổng nhà mình. Vẫn giàn hoa thiên lý mà ngày nào cô đã trồng đang điểm những chùm bông. Vẫn mái ngói đỏ au chưa kịp bám rêu xanh. Vẫn hàng dừa sai quằn trái, buổi trưa nắng nóng nào cô cũng trèo hái. Mọi thứ đều đáng yêu, đều quen thuộc, vậy mà cô đã bỏ nó để ra đi, để chịu đựng biết bao điều khổ nhục, xa cha, xa mẹ, đói khát, cô đơn và những cơn sợ hãi không thể kể hết bằng lời được. Tuấn Khanh đã thức tỉnh sự dại dột của cô, anh ta khuyên cô quay về là đúng đắn.  Ôi, Tuấn Khanh, tại sao anh vẫn chưa nói gì với em?  Mặc dù Hương Lan được cha mẹ chấp nhận cho trở về nhà nhưng cô vẫn phải lấy chồng theo đúng sự sắp đặt của gia đình. Bởi bên nhà trai chưa hề hay biết việc cô dâu đã bỏ trốn một thời gian do chú rể bị tai nạn phải nằm viện. Thật là một cơ may ngẫu nhiên giúp cho nhà gái khỏi bẽ mặt. Bây giờ Hương Lan đã về đến lại trùng khớp với việc xin cưới của đàng trai. Lần này, Hương Lan không phản đối nhưng cũng không hẳn cô vui vẻ nhận lời. Lập gia đình là nghĩa vụ của mỗi người nhưng chung sống với kẻ không yêu hẳn là khổ sở lắm! Hương Lan chẳng hiểu sao số phận của mình lại trớ trêu đến thế. Chỉ mỗi việc lấy chồng, mà cũng không có chút tự do. Làm đàn bà thật khổ thân, cứ bị người ta giết quách như cô người mẫu Diễm Hà là bớt phải đau xót. Bây giờ Hương Lan đã quên những ngày phải đối đầu với những cơn mơ quái dị, với xác chết trong pho tượng, với một gã tâm thần phân liệt và với giây phút cận kề giữa cái sống cái chết. Tất cả những điều đó đã qua đi rồi, chuyện nhân duyên cô đành cắn răng phó mặc ông Trời đưa đẩy cô tới bến nào tùy ý. “Trong nhờ, đục chịu” xưa nay phận gái hai mươi bến nước mà có ai tránh khỏi số Trời đâu.  Nằm bẹp trong buồng để khóc lóc, than van, Hương Lan chẳng màng đến ăn uống khiến người gầy đi trông rất xấu. Mẹ cô phải năn nỉ:  - Hương Lan. Con đừng có làm thế! Chỉ còn ít hôm nữa là đám cưới rồi.  Hương Lan quay mặt vào tường nói:  - Đám cưới thì có gì mà vui. Cũng giống như đám ma thôi, có đông đủ anh em họ hàng đưa tiễn.  Mẹ cô lớn tiếng mắng:  - Nói bậy. Đám cưới mà ví giống đám ma không sợ xui xẻo hả.  - Đã xui rồi còn phải sợ làm chi nữa. Lấy một người chồng không vừa ý chẳng phải là đen đủi cả đời sao.  - Nhưng thằng đó cũng tốt, là con trai một của gia đình có của ăn của để. Nếu không phải mạnh mối lái, người ta chẳng thèm con đâu, đừng làm bộ õng ẹo nữa.  Nghe nói vậy, Hương Lan bật dậy khỏi chỗ nằm:  - Con đang cầu mong họ chê để con được làm gái ế, không phải lo chuyện hầu hạ người dưng.  Mẹ cô trợn mắt kêu:  - Trời ơi, đã lớn thế này mà còn nói năng tùy tiện vậy. Sao lại gọi là hầu hạ người dưng chứ? Cha mẹ đã gả con đi rồi thì sống chết con là người nhà của họ, con phải có trách nhiệm và bổn phận. Làm gái ế xấu hổ lắm chứ chẳng đẹp đẽ gì đâu. Hơn nữa, con phải lấy chồng để các em của con lớn lên không bị cái vía “gái già” của chị làm mất duyên!  - Thì ra ghê gớm vậy sao?  Gương mặt của Hương Lan trông càng nặng nề hơn. Thì ra nếu cô không lấy chồng sẽ trở thành bức rào cản đường đi của các em.  Ôi, quy luật gì kỳ cục vậy?  Thế này cô đành phải buông xuôi theo số mạng chứ không còn lối nào để thoát!  Đang đau khổ, cô bỗng nhớ đến Tuấn Khanh:  - Tuấn Khanh! Phải chi chồng sắp cưới của tôi là anh thì tôi sẽ vui lòng ưng chịu.  Mẹ cô không nghe rõ con gái mình đang lảm nhảm điều gì nên ra sức động viên:  - Thôỉ đừng buồn nữa con. Rồi đâu cũng vào đấy cả thôi, miễn con biết hòa hợp với người ta. Tình yêu đến muộn không có nghĩa là không hạnh phúc...  Nói tới đây mẹ cô thay đổi thái độ vui vẻ hơn:  - À, áo cưới của con đã may xong, một lát nữa nhà trai sẽ cho người qua dẫn con đi thử áo. Mau sửa sang lại mặt mày, chớ có nặng trịch thế này làm phật ý người ta.  Hương Lan gượng cười:  - Thì con sẽ vui ngay đây mà. Lấy chồng chứ đâu có phải trúng số độc đắc đâu.  - Tổ cha cô. Gái miền quê mà được con nhà giàu hỏi cưới thì trúng số cũng không bằng. Bà mẹ lại mắng yêu.  - Con không chịu hạ giá trị mình dữ vậy đâu. Ông chồng tương lai của con chắc gì đã hơn con.  - Làm cao vừa vừa thôi cô nương. Chỉ sợ khi thấy người ta rồi, cô lại đòi phải cưới gấp không chịu cho chậm trễ.  Hương Lan ngúng nguẩy bên cạnh mẹ:  - Không đời nào có chuyện đó xảy ra, mẹ cứ tin con đi.  Rồi cô kể lại cho mẹ nghe những ngày tháng gian khổ khi bỏ nhà ra đi. Cả sự kiện suýt chết trong tay ông chủ hiệu bị tâm thần, Hương Lan cũng không giấu mẹ. Riêng việc cô có gặp và quen biết với một người thanh niên thì giữ kín. Mà nói ra bây giờ có ích gì khi chỉ còn vài hôm nữa cô đã phải bước lên xe hoa. Hương Lan không muốn mẹ lo thêm chuyện tình cảm riêng tư của con gái, nếu như lấy chồng rồi mà lòng vẫn tơ vương. Cần phải quên tất cả thôi, cứ coi đó là một kỷ niệm đã từng đến trong đời.  Lễ hỏi của Hương Lan được tổ chức trước đám cưới một ngày. Tuy đã đồng ý lấy chồng, cô vẫn thấy lòng buồn nao nao buồn. Thế là cô chỉ còn trọn vẹn một ngày làm con gái. Qua khỏi đêm mai, cô đã biến thành người phụ nữ có chồng. Hai tiếng “có chồng” thật đơn giản nhưng sao dễ sợ quá, giống như bản án tù chung thân vậy.  Trong chiếc áo dài màu xanh hy vọng bằng thứ vải lụa tơ tằm đắt giá mà đàng trai đã may cho, trông Hương Lan thật đẹp dù nỗi buồn vẫn chứa đầy trong mắt. Bởi niềm hy vọng của riêng cô đã lịm tắt, cô chỉ biết cúi đầu chấp nhận sự đặt để của ông Trời. Cầu mong người chồng của cô có cái đầu hiểu biết và tấm lòng nhân hậu, thương yêu. Chỉ thế thôi, Hương Lan chẳng dám ước ao gì hơn nữa. - Đã sửa soạn xong chưa? Ra chào đàng trai mau.  Tiếng thúc giục của ai đó, Hương Lan cũng chẳng buồn quan tâm. Cô thẫn thờ bước ra khỏi phòng, khi tấm rèm được vén sang một bên, không hồi hộp cũng không cảm thấy run rẩy như tâm trạng chung của các cô dâu. Hương Lan chẳng ngước mặt nhìn ai, cô cúi đầu chào những người của họ đàng trai rồi rót rượu nói lí nhí câu mời.  Cho đến lúc nhận sính lễ, sự kiện kinh ngạc đột ngột xảy ra. Hương Lan giật nảy mình bởi tiếng kêu:  - Ôi! Cô là cô dâu của tôi sao?  Âm thanh rất quen khiến Hương Lan không thể tảng lờ được. Cô ngó lên và cũng bộc lộ sự thảng thốt:  - Là anh à!  Thì ra chú rể của Hương Lan chính là Tuấn Khanh chứ chẳng phải một gã xa lạ nào khác. Thật thú vị biết bao, chắc ông Trời đã chiếu cố tới cô nên ra tay đổi người chứ làm gì có chuyện hi hữu đến như vậy.  Quá mừng rỡ, Hương Lan quên là mình đang đứng trước mặt nhiều người đại diện cho cả hai họ, cô tóm lấy tay Tuấn Khanh mà lắc:  - Gặp lại anh tôi mừng quá. Sao anh giữ kín chuyện để tới giờ này mới chịu chường mặt ra?  Tuấn Khanh cũng giống như Hương Lan, tựa người bị rơi từ trên trời xuống mặt đất. Vì anh đâu có ngờ cô gái mà cha mẹ anh cố tình ép phải lấy là Hương Lan. Chuyện thật mà cứ ngỡ như mơ. Nếu biết rõ sự thể anh cần chi trốn chạy, bởi cô gái này đã in hình bóng trong tim anh từ lâu. Nhưng xét lại, nếu không bỏ đi thì anh đâu gặp được Hương Lan để tình cảm có cơ hội phát sinh. Bây giờ biết cô sẽ là vợ mình, ruột gan Tuấn Khanh nở ra từng khúc. Anh nhoẻn miệng cười toe toét:  - Đúng là trái đất này nhỏ bé quá. Cứ tưởng hai chúng mình khó có cơ hội gặp lại nhau, nào ngờ chỉ cách vài bước chân. Điều thú vị nữa là chúng ta sắp thành vợ, thành chồng.  Sắc mặt Hương Lan đỏ bừng dù cô chỉ trang điểm một chút phấn hồng nơi gò má. Cô cúi mặt thẹn thùng:  - Ai thèm làm vợ anh!  Tuấn Khanh liền bắt bẻ:  - Không thèm sao rót rượu mời ba má của người ta?  Quả nhiên Hương Lan không thể đối đáp lại ngoài việc duy nhất là chịu trận với cơn hổ thẹn kéo dài.  May thay, mẹ của cô đã lên tiếng cứu nguy giùm con gái bằng thái độ hớn hở:  - Coi bộ cô với cậu đã quen biết nhau rồi hả? Thật tốt quá, thế thì không còn gì đáng ngại rồi.  Phía đàng trai cũng ồn ào nói vun vào:  - Ngó hai đứa xứng đôi quá trời. Nhất định sẽ hợp nhau, giàu sang phú quý.  Buổi lễ ra mắt tiếp tục khiến Tuấn Khanh và Hương Lan không có điều kiện để nói chuyện riêng tư mà phải răm rắp làm theo sự điều khiển của những người lớn tuổi có trọng trách trong buổi lễ ăn hỏi cho đến khi thủ tục xong xuôi. Tuấn Khanh theo Hương Lan vào phòng mà không hề câu nệ, anh khẽ hỏi:  - Em có mệt lắm không?  Hương Lan dùng tay che miệng đáp:  - Không mệt mà chỉ tức.  Tuấn Khanh đứng ngây mặt:  - Sao lại tức? Bộ chê chú rể xấu trai không xứng để trao thân, gửi phận ư?  - Nói sai rồi.  - Vậy thì vấn đề gì?  - Ghét anh.  - Tôi làm gì nên tội?  - Đừng vờ vĩnh. Tội lớn bằng trời, không kể ra hết được đâu.  - Nhưng thật sự tôi không biết mình đã phạm tội gì?  Hương Lan chợt chìa cho anh chiếc gương soi mặt mà cô thường dùng để trang điểm:  - Hãy nhìn vào đó rồi sẽ thấy.  Tuấn Khanh làm theo lời cô nói nhưng anh vẫn ngẩn ngơ:  - Tôi có thấy gì đâu ngoài khuôn mặt của mình.  - Hình ảnh đó không phải của anh mà là của một tên tội phạm tầm cỡ. Hắn đã dám... Hương Lan khúc khích cười.  Tới đây thì Tuấn Khanh vụt hiểu, anh lập tức cuốn theo câu chuyện của Hương Lan bằng cách bẹo má cô:  - Đúng. Hắn đã dám to gan hỏi cưới một con ma nữ về làm vợ.  Chiếc môi mọng đỏ màu son của Hương Lan cong cớn. Cô sấn tới bên anh, điệu bộ thật đanh đá:  - Ai cho phép anh dám gọi vợ mình là ma nữ?  Tuấn Khanh rụt cổ làm bộ sợ:  - Không ai cho, chỉ tại tôi nhớ lại chuyện đã qua rồi ấn tượng.  - Về điều gì?  - Vậy ư? Cần nhờ gì cô cứ nói ra đi.  Hương Lan hơi liếc mắt:  - Một lát nữa ra chào quan khách, anh cài thêm giùm em mấy nhánh hoa.  Tuấn Khanh khoanh tay, mặt rất nghiêm:  - Cài thêm hoa làm chi? Chẳng phải cô vừa bảo thôi là gì.  - Đó là do anh nói mà.  - Tôi không cãi, chỉ tại cô làm chảnh.  Đột nhiên Hương Lan phì lên cười:  - Anh còn chảnh hơn tôi.  - Ai thích ăn ớt chấm muối đâu.  - Xin lỗi. Đừng có giận khó coi lắm!  - Cô nói trỏng, biết ai diễm phúc nhận.  Bị bắt bẻ liên miên, Hương Lan thấy nóng lòng gọi đại luôn:  - Anh Khanh bỏ qua cho em đi. Chẳng gì em cũng đang là cô dâu của anh rồi.  Niềm vui trong lòng Tuấn Khanh dâng ngập tràn ra cả mắt, cả môi trước sự thay đổi cách xưng hô của cô vợ mới. Tuy nhiên, anh vẫn còn yêu sách:  - Hãy nói lại một lần nữa đi, Hương Lan.  Không cảm thấy khó chịu vì bị yêu cầu. Hương Lan ngoan ngoãn đáp ứng:  - Em xin anh đừng để bụng thái độ trẻ con của em hồi nãy nữa.  Tuấn Khanh cũng cư xử với cô dịu dàng:  - Hương Lan à, anh hỏi thật em có cảm thấy vui vẻ với cuộc hôn nhân này không?  Đưa ngón trỏ lên miệng cắn nhè nhẹ để tạo cảm giác bâng khuâng trước vấn đề đang được hỏi, Hương Lan e lệ nói:  - Khi chưa biết anh là chú rể, em nghe lòng mình buồn và khổ sở vô hạn. Nhưng đến lúc nhìn thấy anh, em vui tới mức độ muốn hét toáng cả lên.  - Tại vì sao?  - Em nghĩ là anh đã hiểu rõ điều ấy rồi, cần chi phải đặt thành câu hỏi nữa.  Tuấn Khanh thì thầm như hơi gió:  - Hiểu sao rõ bằng chính miệng nói ra được. Hương Lan, anh thật sự rất yêu em.  Da mặt bên dưới lớp phấn điểm trang của Hương Lan nóng rân, cô đẩy vai Tuấn Khanh nhích ra xa để cảm thấy bớt ngượng:  - Liệu anh có bày trò để đùa em không?  Tuấn Khanh nắm tay cô dúi thẳng vào ngực mình:  - Hãy kiểm tra thử xem thật hay đùa. Lúc không biết em chính là người cha mẹ muốn hỏi cưới, anh cũng đau khổ lắm? Tính làm một chuyến phiêu lưu dài ngày khác. Nhưng bây giờ đã rõ là em rồi thì chỉ có thể làm đám cưới thật sớm thật nhanh thôi.  Hương Lan véo mũi anh:  - Cưới người ta hấp tấp về để ăn hiếp hay sao?  Một bên mắt của Tuấn Khanh khẽ nheo nheo đầy chọc ghẹo:  - Với em thì chỉ có nhờ đến ma mới mong thắng được thôi. Người gì lá gan như con muỗi.  Sực nhớ lại chuyện cũ, Hương Lan rùng mình hai ba cái:  - Ma thì ai mà không sợ. Ôi! Cứ nghĩ đến cái cửa hiệu trưng bày đó là tim em lại nhói đau.  - Triệu chứng của bệnh nan y rồi, lấy anh đi anh làm bảo vệ cho.  Hương Lan véo vô hông anh thật đau:  - Em đang là cô dâu đây chứ không phải tượng có chứa xác người chết từng làm chúng ta sợ.  Tuy không cảm thấy đau nhưng Tuấn Khanh vẫn nhảy loi choi để gây cười cho Hương Lan trong ngày vui của họ. Mọi phiền não bây giờ không còn nữa mà trước mắt cả hai người đang là một khu vườn nở tràn ngập bông hoa. Tiếng gọi cô dâu, chú rể ra chào bàn ngoài cửa phòng nhưng họ chẳng hề nghe mà mải mê choáng ngợp với nụ hôn hạnh phúc.
Hết
This is the lightbox content. Close
This is the lightbox content. Close
This is the lightbox content. Close
This is the lightbox content. Close
This is the lightbox content. Close
This is the lightbox content. Close
This is the lightbox content. Close
This is the lightbox content. Close
This is the lightbox content. Close
This is the lightbox content. Close
This is the lightbox content. Close
This is the lightbox content. Close
This is the lightbox content. Close
This is the lightbox content. Close
This is the lightbox content. Close