Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

Vũ Điệu Quỷ - Truyện kinh dị - Chương 2 - Jonathan Kellerman

Chương 2

Cánh cửa phía sau bệnh viện đưa chúng tôi tới một cầu thang. Tôi và Stephanie bước xuống tầng trệt. Cô di chuyển khá nhanh, gần như là chạy xuống các bậc cầu thang.  Quán ăn tự phục vụ gần như đã vắng tanh. Một bác sĩ thực tập đang ngồi đọc cuốn tạp chí thể thao bên chiếc bàn mặt da cam. Hai bàn khác cũng đã bị một đôi chiếm mất. Hai người này có vẻ như đã ngủ nguyên trong bộ quần áo của họ. Họ là những bậc cha mẹ phải qua đêm ở đây. Đây là điều chúng tôi đã đấu tranh để có được. Trên mặt những chiếc bàn khác bày đầy những bát đĩa bẩn. Một cô hộ lý đầu mang mạng tóc đi chậm chạp vòng quanh, đổ đầy những cái máy pha muối. Trên tường phía Đông có cánh cửa dẫn tới phòng ăn của các bác sĩ treo một số tấm pa nô bằng gỗ tếch được đánh bóng cẩn thận cùng một chiếc biển tên bằng đồng được khắc đẹp đẽ. Nó mang tên một nhà nhân chủng học có hứng thú với biển cả. Stephanie vượt qua và dẫn tôi tới một phòng nhỏ ở đầu kia của sảnh chính.  - Anh chắc là không muốn uống cà phê đấy chứ? Cô hỏi.  Nhớ lại đám bùn cà phê ở bệnh viện, tôi đáp:  - Tôi đã nhập đủ hạn ngạch cà-phê-in vào bụng rồi.  - Tôi hiểu ý anh. Bàn tay cô luồn nhanh vào mái tóc và chúng tôi cùng ngồi xuống ghế.  - Thế này nhé!... Stephanie nói... Chúng ta hiện đang có một bé gái hai mươi mốt tháng tuổi sinh đủ ngày đủ tháng, tình trạng sinh bình thường, điểm APGAR (1) đạt tới 9/10. Nhân tố lịch sử có ý nghĩa duy nhất là trước khi đứa bé này được sinh ra thì người anh trai một tuổi của nó đã chết bởi hội chứng đột tử trẻ sơ sinh.  - Có còn đứa trẻ nào khác không? Tôi vừa hỏi vừa rút từ túi ra cuốn sổ nhỏ và chiếc bút chì.  - Không, chỉ có Cassie thôi. Con bé ấy hoàn toàn bình thường cho tới khi nó được ba tháng tuổi. Theo lời mẹ đứa bé, cứ đến đêm, khi chị ta vào kiểm tra xem con thế nào, thì lại phát hiện ra nó ngừng thở.  - Chị ta vào kiểm tra chắc là sợ con bị hội chứng đột tử trẻ con phải không?  - Chính xác. Khi không thể đánh thức được đứa bé, chị ta liền tiến hành hô hấp nhân tạo thì mới đánh thức được nó rồi đưa vào phòng cấp cứu. Lúc tôi tới nơi thì con bé có vẻ bình thường. Qua kiểm tra không thấy có biểu hiện gì đáng nghi vấn. Tôi đã cho con bé lưu trú tại bệnh viện để theo dõi, đã tiến hành tất cả các xét nghiệm thông thường nhưng chẳng phát hiện được gì cả. Sau khi chọ họ ra viện, tôi trấn an gia đình bằng một bộ máy theo dõi giấc ngủ và chuông báo động. Vài tháng sau đó, chuông báo động đã nhiều lần đổ nhưng toàn là báo động sai vì đứa bé vẫn thở bình thường. Biểu đồ theo dõi cho thấy có một vài đợt ngưng thở ngắn nhưng cũng có rất nhiều kết quả chỉ sự chuyển động, chẳng hạn như đứa bé ấy đã nô đùa. Tôi nghĩ có thể con bé ấy bị mất ngủ, còn những cái chuông báo động không hoàn toàn hết ngu ngốc và đã toạ ra câu chuyện đầu tiên về điều kỳ quái. Nhưng tôi vẫn cứ yêu cầu một chuyên gia tim phổi khám kỹ cho con bé bởi vì người anh trai xấu số của nó đã bị hội chứng đột tử trẻ em rồi. Kết quả là không có bệnh. Vì thế, chúng tôi quyết định để mắt tới con bé trong những khoảng thời gian có nguy cơ đột tử cao.  - Một năm trời làm việc đó ư?  Stephanie gật đầu:  - Tôi đã giữ được an toàn cho cuộc sống của con bé tới tận mười lăm tháng. Ban đầu, tôi khám theo phương pháp bệnh nhân ngoại trú hàng tuần, sau đó giảm dần đến chín tháng sau thì tôi đã sẵn sàng để họ ra viện chờ tới lượt khám cách đó đúng một năm. Hai ngày sau lần khám ở tháng thứ chín, họ lại phải đưa con bé vào phòng cấp cứu, giữa đêm hôm khuya khoắt, do có vấn đề về hô hấp: con bé đã tỉnh giấc và thở gấp, thỉnh thoảng lại lên cơn hen tưởng ngưng thở. Vài lần phải hô hấp nhân tạo nữa khiến cho bố mẹ con bé quyết định đưa nó trở lại bệnh viện.  - Chẳng phải hô hấp nhân tạo là biện pháp cực đoan đối với bệnh bạch cầu hay sao? Con bé đã ngất đi phải không?  - Không, con bé không bao giờ ngất đi cả, chỉ là khó thở thôi. Có thể mẹ nó đã phản ứng quá đáng, nhưng với việc từng bị mất đi đứa con đầu lòng rồi thì ai có thể đổ lỗi cho chị ta chứ? Khi tôi tới phòng cấp cứu thì đã thấy con bé hoàn toàn bình thường, không sốt, không có biểu hiện bệnhh lý. Cũng chẳng hề có sự ngạc nhiên nào. Không khí thoáng mát của buổi tối có thể làm bệnh khó thở biến mất. Tôi đã tiến hành chụp X-quang vùng ngực và kiểm tra máu. Tất cả đều cho kết quả bình thường. Tôi kê đơn thuốc thông đường hô hấp, dung dịch để rửa mũi và yêu cầu nghỉ ngơi. Bây giờ nó đã sẵn sàng để xuất viện nhưng bà mẹ thì cứ nài nỉ tôi cho con chị ta ở lại. Chị ta nghĩ rằng có điều gì đó rất nghiêm trọng đang xảy ra với đứa trẻ. Bản thân tôi lại thấy hoàn toàn không có gì cả, nhưng gần đây chúng tôi đã phát hiện ra một vài dấu hiệu đáng lo ngại về đường hô hấp, vì thế tôi đã cho con bé được nhập viện, ra lệnh ngày nào cũng kiểm tra máu cho nó. Lượng tế bào máu của nó bình thường và sau hai ngày bị tiêm chọc, con bé đâm ra phát hoảng khi nhìn thấy áo khoác trắng của bác sĩ. Tôi đã cho nó xuất viện, lại trở về phương án kiểm tra bệnh nhân ngoại trú hàng tuần. Trong thời gian này, con bé không phải tiếp xúc với tôi. Nhưng ngay khi tôi bước vào phòng hám, con bé đã gào tướng lên.  - Là bác sĩ cũng có cái thú vui ấy đấy! Tôi nói.  Stephanie nở nụ cười buồn và đưa mắt nhìn về những người phục vụ.  - Họ đang đóng cửa đấy. Anh có muốn ăn chút gì không?  - Không, cảm ơn cô.  - Nếu anh không phản đối thì tôi cũng chưa ăn sáng đâu.  - Tất nhiên là tôi không phản đối. Cô cứ tự nhiên đi.  Cô bước nhanh tới chiếc mặt bàn kim loại và trở lại với nửa đĩa bưởi và một cốc cà phê. Cô uống từng ngụm cà phê nhỏ và nhăn trán.  - Có lẽ tôi nên uống một chút cà phê sữa. Tôi đáp.  Stephanie dùng chiếc khăn ăn lau miệng.  - Chẳng gì có thể cưỡng lại được món này đâu.  - Vì chí ít nó cũng không tốn của tôi xu nào.  - Ai bảo thế?  - Gì cơ. Thế bây giờ không còn cà phê miễn phí cho các bác sĩ nữa à?  - Những ngày đó đã qua rồi, anh Alex ạ.  - Lại một truyền thống nữa bị mai một đi... Tôi nói... Phải chăng là do khó khăn về tài chính?  - Còn gì nữa chứ? Bây giờ uống một cốc cà phê và trà phải trả 49 xu. Vậy anh tính xem phải mất bao nhiêu cốc cà phê và trà nữa thì mới cân bằng được ngân sách đây?  Cô ăn bưởi một cách chậm rãi. Tôi nghịch vẩn vơ cây bút và nói:  - Tôi nhớ lại cái ngày chúng tôi vất vả đấu tranh để bác sĩ thực tập và bệnh nhân nội trú được hưởng những đồ miễn phí.  Cô lắc đầu:  - Tôi lấy làm ngạc nhiên về những gì được xem trọng vào lúc đó.  - Thế vấn đề tài chính hiện nay của bệnh viện đang nghiêm trọng hơn bình thường phải không?  - Tôi e là anh nói đúng... Cô chau mày, đặt cái thìa xuống bàn và đẩy đĩa bưởi ra xa... Thôi kệ, chúng ta trở lại ca bệnh thôi. Tôi nói đến đâu rồi nhỉ?  - Tới đoạn con bé ấy hét toáng lên khi nhìn thấy cô.  - Đúng rồi. Sau đó mọi thứ lại có vẻ ổn. Tôi lại giảm dần và kết thúc việc điều trị. Tôi hẹn gặp họ đúng hai tháng sau đó. Nhưng đến ngày thứ ba, họ lại tới phòng cấp cứu vào lúc 2 giờ sáng. Lại chuyện khó thở. Chỉ có lần này, người mẹ trẻ mới nói rằng con bé đã ngất xỉu. Thực sự khi đó con bé đó đã trở nên xanh xám cả người. Lại hô hấp nhân tạo.  - Ba ngày sau khi cô kết thúc điều trị à?... Tôi vừa nói vừa chép điều này vào cuốn sổ... Lần trước là hai ngày.  - Đã thấy thú vị chưa? Tôi cho tiến hành các xét nghiệm khẩn cấp ngay. Huyết áp của con bé hơi tăng một chút và con bé vẫn đang thở khá nhanh. Nhưng như thế thì càng được nhiều ôxi vào phổi chứ, chẳng hề có biểu hiện khò khè nào. Tuy thế, tôi cũng nghi hoặc là con bé bị mắc một cơn hen suyễn ác tính hoặc mắc phải chứng rối loạn tâm lý nào đó.  - Có thể nào nó đã phát hoảng khi nghĩ tới việc bị đưa trở lại bệnh viện chăng?  - Có thể là thế, hoặc có thể chính tâm lý bấn loạn của người mẹ đã khiến con bé như thế.  - Thế bà mẹ có rất nhiều biểu hiện bấn loạn tâm lý hay sao?  - Không hẳn vậy, nhưng anh biết chuyện thường xảy ra giữa mẹ và con rồi đấy. Mặt khác, tôi cũng còn chưa sẵn sàng loại trừ chuyện gì đó có liên quan tới thể chất. Một đứa bé bị ngất xỉu là điều cần phải xem xét cẩn thận.  - Chắc chắn là vậy rồi!.. Tôi đáp... Nhưng cũng có khả năng đó chỉ là cơn cáu gắt quá đà của đứa bé thôi. Một số đứa trẻ ngay từ bé đã biết cách nín thở và ngất xỉu rồi.  - Tôi biết, nhưng chuyện này lại xảy ra vào nửa đêm cơ, anh Alex ạ, chứ không phải xảy ra sau một trận ẩu đả. Vì thế, tôi đã cho con bé nhập viện, yêu cầu kiểm tra dị ứng. Các chức năng phổi hoạt động hoàn toàn bình thường, không có biểu hiện bị hen suyễn. Tôi cũng nghĩ tới những tình huống hiếm hơn: vấn đề về màng phổi, chuyện gì đó tự nhiên phát ra ở não, hoặc là rối loạn enzyme, vân vân. Họ lại có một tuần vui vẻ, được chuyên viên tới tận nhà kiểm tra, rồi tiêm chọc, kiểm tra. Con bé ấy thường phát hãi khi thấy cửa phòng nó bị mở. Không ai chẩn đoán được đó là loại bệnh gì, toàn bộ thời gian nó nằm ở viện thì không thấy có biểu hiện khó thở nào cả. Điều này càng củng cố thêm giả thiết về tâm lý của tôi. Tôi cho họ xuất viện và lần tiếp theo gặp họ tại văn phòng, tôi không làm gì cả, chỉ cố chơi đùa với con bé. Nhưng con bé thì không chơi với tôi. Vì thế, tôi đặt ra vấn đề tâm lý với mẹ nó nhưng chị ta không chịu.  - Chị ta đã có phản ứng ra sao? Tôi hỏi.  - Không hề cáu giận. Đó không phải là kiểu phản ứng của một phụ nữ như chị ta. Chị ta chỉ nói rằng không hiểu ý của tôi, rằng con bé còn quá nhỏ nên không thể có sức ép tâm lý nào. Tôi nói chứng sợ hãi có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào, nhưng vẫn không thuyết phục được chị ta. Vì vậy tôi bó tay, trả mẹ con họ về để chị ta có thời gian suy nghĩ với hy vọng rằng khi con bé được một năm tuổi nữa, nguy cơ đột tử sơ sinh giảm, nỗi ám ảnh của bà mẹ cũng giảm đi và con bé sẽ ổn. Chỉ bốn ngày sau đó, họ lại lao đến phòng cấp cứu, lại khó thở, thở gấp gáp, bà mẹ thì nước mắt ngắn nước mắt dài, van xin cho con bé được nhập viện. Tôi cho con bé nhập viện nhưng không tiến hành kiểm tra gì cả. Không hề tiêm chọc hay đụng chạm gì tới da thịt con bé dù là nhỏ nhất, chỉ quan sát. Và con bé có vẻ hoàn toàn bình thường, ngay cả khụt khịt mũi cũng không có. Tới lúc đó, tôi đi theo bà mẹ và mạnh mẽ thuyết phục chị ta dưới góc độ tâm lý. Vẫn không ăn thua gì.  - Thế chị ta có bao giờ đả động tới thằng con trai đầu đã chết không?  Stephanie lắc đầu: - Không, tôi nghĩ là nên nói điều này ra nhưng vào thời điểm đó thì không thích hợp, anh Alex ạ. Dại gì mà gây thêm áp lực tâm lý cho người mẹ đó. Tôi nghĩ tôi đã rất thông cảm với chị ta vì chính tôi là bác sĩ trực hôm mà vợ chồng chị ta đưa đứa con trai đầu tới trong tình trạng đã chết. Tôi lo việc khám nghiệm tử thi... đưa thằng bé tới nhà xác, anh Alex ạ.  Cô nhắm mắt rồi lại mở ra và nhìn xa xăm.  - Trời ơi, tội quá! Tôi thốt lên.  - Tội lắm! Và đó cũng là chuyện cơ duyên. Họ chính là bệnh nhân riêng của bà Rita nhưng lúc đó bà ấy không có mặt nên tôi được triệu tới. Tôi không hề biết tí gì về họ nhưng lại phải tiến hành nói chuyện về cái chết của đứa con họ. Tôi đã cố đưa ra những lời tư vấn căn bản, giới thiệu họ tới một vài nhóm có cùng đau khổ nhưng họ đều không hứng thú. Một năm rưỡi sau họ quay trở lại và muốn tôi chăm sóc cho đứa con mới chào đời đã khiến tôi thực sự kinh ngạc.  - Tại sao chứ?  - Tôi đoán rằng, trong mắt họ, tôi là vị bác sĩ liên quan trực tiếp tới bi kịch của gia đình họ, một người đưa tới tin dữ chẳng hạn. Khi biết họ không nghĩ thế, tôi mới té ngửa ra rằng hoá ra tôi đã xử lý ca trước đó rất tốt.  - Tôi cũng cho là cô đã làm tốt việc đó.  Stephanie nhún vai.  Tôi nói:  - Thế Rita có phản ứng gì với việc cô đã làm không?  - Bà ấy còn biết phải lựa chọn thế nào nữa chứ? Bà ấy đã không có mặt khi tôi cần tới. Mà ngay vào thời điểm đó, Rita cũng đang gặp vấn đề. Ông chồng bà ấy... Mà anh biết bà ấy kết hôn với ai rồi phải vậy không?  - Otto Kohler chứ gì.  - Một nhà chỉ huy dàn nhạc nổi tiếng. Bà ấy thường nói về ông ta thế này: "Chồng tôi ấy à, ông ấy là chỉ huy dàn nhạc có tiếng đấy!"  - Ông ta vừa mới mất, phải vậy không?  - Mấy tháng trước. Ông ấy đã ốm liệt giường trong thời gian dài, bị một loạt các cú đột quỵ. Kể từ đó, Rita thường vắng mặt trên mức thường xuyên, khiến chúng tôi gặp rất nhiều phiền hà. Bà ấy thường dự các cuộc hội họp và toàn trình những giấy tờ cũ kỹ. Thực ra bà Rita sắp nghỉ hưu rồi... Stephanie cười ngượng nghịu... Tôi đang xem xét xin vào vị trí của bà ấy đấy, anh Alex ạ. Anh có thấy tôi hợp với vị trí trưởng khoa không?  - Có chứ.  - Anh nói thật đấy chứ?  - Hoàn toàn thật lòng, Stephanie ạ. Tại sao tôi lại không nói thật được chứ?  - Tôi không biết nữa. Vị trí ấy vốn dĩ đòi hỏi sự độc đoán.  - Về một mức độ nào đó mà nói thì đúng là như vậy... Tôi đáp... Nhưng tôi nghĩ nó có thể biến đổi tuỳ vào kiểu người lãnh đạo.  - Mà tôi cũng không biết mình có trở thành một trưởng khoa tốt không... Stephanie nói... Tôi không thích bắt người khác phải làm điều này điều nọ... Dù sao, chúng ta cũng không bàn chuyện này nữa nhé. Tôi đang đi lạc đề mất rồi. Vậy là đã có thêm hai lần con bé ấy bị ngất xỉu trước khi tôi đề cập đến vấn đề tâm lý.  - Hai à?...Tôi vừa nói vừa nhìn vào cuốn sổ ghi chép... Theo ghi chép của tôi thì đã có đến năm lần bị...  - Chính xác.  - Hiên nay con bé ấy bao nhiêu tuổi rồi?  - Chưa đầy một năm tuổi và là người nằm viện kỳ cựu đấy. Thêm hai lần nhập viện nữa và lại âm tính đối với mọi xét nghiệm. Tới lúc đó, tôi đề nghị bà mẹ cho tiến hành khám tâm lý. Nghe tôi nói thế, chị ta liền phản ứng... Đây, để tôi cho anh xem những từ chị ta nói.  Stephanie mở cuốn bệnh án ra và nhẹ nhàng đọc:  - Tôi biết điều đó là có lý, thưa bác sĩ Eves, nhưng tôi biết chắc rằng con bé đang bị ốm. Giá mà bác sĩ tận mắt chứng kiến cảnh nó nằm đó, toàn thân tím tái. Chấm hết.  - Chị ta nói thế thật à? Tức là dùng từ tím tái ấy?  - Đúng. Chị ta có biết qua một chút về y học, đã từng học để trở thành chuyên viên hô hấp.  - Thế mà cả hai đứa con của chị ta đều bị chứng ngừng thở. Thật hấp dẫn quá. - Đúng vậy... Stephanie nở nụ cười khô khan... Lúc vào việc, tôi đâu có nhận ra sự hấp dẫn của vấn đề. Tôi như đang đứng giữa mê lộ, cố gắng đưa ra một chẩn đoán. Tôi luôn nghĩ không biết cơn bệnh tới sẽ xảy ra khi nào và liệu có làm được gì để giải quyết không. Thật đáng ngạc nhiên, chuyện tồi tệ đã không xảy ra trong một thời gian khá lâu... Stephanie lại nhìn vào sổ bệnh án, rồi nói tiếp: - Một tháng trôi qua, rồi hai, ba tháng mà vẫn không thấy họ tới. Tôi rất vui vì đứa bé không hề hấn gì nhưng giờ lại lo nhỡ đâu họ vừa tìm cho mình một bác sĩ mới. Vì thế tôi đã gọi điện tới gia đình, nói chuyện với người mẹ. Mọi thứ đều tốt đẹp. Rồi tôi nhận rất rằng, trong lúc hối hả lo lắng về bệnh tình của đứa bé thì chính nó lại bị bỏ lỡ mất đợt kiểm tra một năm. Tôi đặt kế hoạch kiểm tra lại cho nó. Mọi thứ đều ổn cả ngoại trừ việc nó nói hơi chậm.  - Chậm thế nào?  - Không phải là căn bệnh chậm phát triển hay gì đó tương tự. Con bé hầu như không nói được gì hay đúng hơn là tôi chưa nghe thấy nó nói được âm nào cả. Mẹ nó bảo ở nhà nó cũng không mấy khi nói. Tôi đã thử dùng phép thử Bailey (2) nhưng vô ích vì con bé không chịu hợp tác. Tôi ước chừng con bé bị chậm nói mất khoảng hai tháng, nhưng anh biết đấy, ở độ tuổi đó, điều này chưa có gì đảm bảo cả, và với những căng thẳng mà con bé ấy phải trải qua thì chuyện chậm nói hai tháng chẳng có gì là lớn chuyện. Nhưng thật là may. Đưa ra vấn đề phát triển ngôn ngữ khiến cho bà mẹ phải lo lắng. Vì thế, tôi đã giới thiệu họ tới khoa Tai - Mũi - Họng và khoa Nghe - Nói. Qua kiểm tra, các khoa kết luận cấu trúc tai và thanh quản của con bé hoàn toàn bình thường và nhất trí với đánh giá của tôi rằng con bé hơi chậm nói do phản ứng của cơ thể với những căng thẳng trong điều trị. Tôi gợi ý người mẹ tiến hành kích thích cho con bé nói và hai tháng liền sau đó không thấy gia đình nói gì.  - Thế là tới lúc đó đứa bé đã được mười bốn tháng tuổi? Tôi vừa nói vừa ghi.  - Nhưng được hai tháng bốn ngày thì họ lại vội vã đưa con bé vào phòng cấp cứu. Nhưng lần này thì không phải là do vấn đề hô hấp. Con bé lên cơn sốt cao - 40,5 độ C. Người đỏ tấy và khô, hơi thở nhanh. Nói thực, anh Alex ạ, tôi rất mừng vì thấy con bé đó bị sốt. Ít nhất nhờ đó, tôi cũng đã có được thứ gì đó bên trong cơ thể để mà xét đoán. Nhưng rồi lượng bạch cầu lại trở về mức bình thường, không thấy có vi khuẩn hay vi rút gì đó thâm nhập cả. Thế là tôi đành phải thử độc tố. Hoàn toàn không có chút độc tố nào trong máu con bé. Tất nhiên, các cuộc xét nghiệm trong phòng thí nghiệm không phải luôn luôn hoàn hảo, tỷ lệ sai của xét nghiệm thậm chí từ 15 đến 20% ấy chứ. Còn chuyện sốt cao là có thật. Chính tay tôi cặp nhiệt độ cho con bé. Chúng tôi tắm và cho nó uống Tylenoled để hạ nhiệt xuống còn 39 độ C. Sau đó cho nó nhập viện với chẩn đoán là sốt lạ, truyền dịch và khiến nó đau đớn qua cuộc thử dịch tuỷ sống để chắc chắn là nó không bị viêm màng não. Mặc dù tai nó vẫn thính và cổ vẫn mềm nhưng chúng tôi cho rằng nếu con bé có bị đau đầu đến khốn cùng đi nữa thì thì nó cũng sẽ không thể nói cho chúng tôi biết được. Thêm hai ngày thử máu, con bé trở nên điên loạn, phải giữ chặt chân tay nó. Vậy mà nó vẫn vài lần đẩy kim tiêm ra đấy.  Stephanie thở hắt ra và đẩy đĩa bưởi ra xa hơn. Trên trán cô lấm tấm mồ hôi. Lấy chiếc khăn lau trán, cô nói:  - Đây là lần đầu tiên tôi kể chuyện này từ đầu đấy.  - Cô đã bao giờ tham gia hội chẩn ca bệnh nào chưa?  - Chưa, mà bây giờ chúng tôi không mấy khi tiến hành hội chẩn nữa. Bà Rita căn bản không còn đảm đương được nữa rồi.  - Thế người mẹ đã phản ứng thế nào đối với quá trình xét nghiệm ấy? Tôi hỏi.  - Chị ta có khóc, nhưng thường là bình tĩnh. Chị ta còn dỗ đứa bé, vuốt ve nó khi việc xét nghiệm kết thúc. Tôi không để cho chị ta tham gia vào việc giữ đứa bé khi nó phản ứng giãy, để giữ nguyên vẹn tình mẹ con của họ. Anh thấy không, bài giảng của anh tại đây đã được áp dụng. Tất nhiên, chúng tôi đều cảm thấy đã hành động có vẻ hơi phát xít...  Cô lấy chiếc khăn ăn lau mồ hôi trên đôi lông mày, tiếp tục kể: - Dù sao, những cuộc xét nghiệm máu đều đưa đến kết quả bình thường nhưng tôi chưa vội cho xuất viện đợi tới khi con bé hết sốt liền trong bốn ngày.  Cô thở dài, đưa tay luồn vào mái tóc và lật qua cuốn sổ bệnh án.  - Lần sốt cao tiếp theo đây: con bé đã được mười lăm tháng tuổi. Người mẹ nói rằng nó bị sốt tới 41 độ.  - Thật nguy hiểm.  - Anh nói đúng. Bác sĩ trực phòng cấp cứu ghi lại được nhiệt độ con bé là 39,5độ. Sau đó, họ đã tắm và cho nó uống một liều hạ sốt xuống còn 38,5độ. Bà mẹ còn thông báo một vài triệu chứng mới như nôn mửa và ỉa chảy. Ngoài ra còn có hiện tượng đi ngoài ra máu.  - Bị chảy máu trong phải không?  - Có vẻ là như thế. Tin đó làm cho mọi người đều lo lắng. Cái tã con bé mặc đúng là bằng chứng rằng nó ị ỉa chảy nhưng không hề có dấu hiệu của máu. Người mẹ nói rằng chị ta đã ném cái tã có máu đi rồi và sẽ cố tìm lại. Khi kiểm tra, phần trực tràng của con bé có hơi đỏ, hơi tấy phần rìa ngoài của cơ vòng. Nhưng ruột không bị sưng gì cả. Bụng của nó mềm mại và đẹp, có thể khi người khác sờ vào thì nó trở nên mềm hơn. Nhưng rất khó khám chính xác vì con bé gào thét không ngừng mỗi khi bị khám.  - Ruột già có sẹo không? Tôi hỏi.  - Không hề có gì như thế cả. Chỉ hơi bị tấy thôi, do ỉa chảy. Tắc ruột hay viêm ruột thừa bị loại bỏ. Tôi đã triệu bác sĩ phẫu thuật tới, anh Joe Leibowitz ấy. Anh biết sự cẩn thận của anh ấy rồi đấy. Anh Joe đã khám cho con bé và khẳng định không có lý do gì để mổ cả nhưng cần cho con bé nhập viện và theo dõi một thời gian. Chúng tôi tiêm ven cho con bé và lập hẳn môt ban hội chẩn, và lần này thì lượng bạch cầu có tăng lên một chút, nhưng vẫn chỉ nằm trong giới hạn cho phép, không có gì phù hợp khiến con bé phát sốt tới 39,5 độ C. Ngày hôm sau, con bé đã giảm xuống còn 38,5 độ C. Ngày hôm sau nữa, nó còn 37 độ C và bụng dường như không phải viêm ruột thừa. Tôi triệu người của khoa Dạ dày - Ruột tới và nhận được kết quả khám của Tony Franks. Ông ta khám xem con bé có những biểu hiện ban đầu của hội chứng viêm ruột, gọi là viêm ruột kết hay vấn đề gì đó ở gan không. Kết quả âm tính. Lại một ban hội chẩn về độc tố nữa được thành lập, xem xét lịch sử ăn uống của nó một cách cẩn thận. Tôi triệu tập tiếp người của khoa Dị ứng và Miễn dịch tới để xem con bé có phải quá nhạy cảm dị thường đối với thứ gì đó không.  - Thế con bé có dùng sữa ngoài không?  - Không hề. Nó được nuôi bằng sữa mẹ, mặc dù lúc đó, nó có thể ăn được những đồ cứng rồi. Sau một tuần, con bé có vẻ hoàn toàn bình thường. Ơn Chúa, chúng tôi đã không tiến hành mổ nó.  - Mười lăm tháng tuổi, vậy là đã qua giai đoạn có nguy cơ đột tử cao. Vậy là hệ thống hô hấp bình thường trong khi ruột lại có vấn đề?  Stephanie nhìn tôi vẻ tìm kiếm gì đó:  - Anh muốn chẩn đoán liều phải không?  - Vậy có đúng không nào?  - Đúng là có thêm hai vụ khủng hoảng về dạ dày và ruột khác. Đó là lúc con bé mười sáu tháng tuổi bốn ngày sau cuộc hẹn với bác sĩ Tony ở khoa Ruột - Dạ dày và một tháng rưỡi sau lần hẹn cuối cùng với ông ta. - Vẫn là những triệu chứng ấy à?  - Đúng vậy. Nhưng cả hai lần này, người mẹ đều đưa đến cái tã có máu và chúng tôi làm xét nghiệm xem có mầm bệnh gì không, tức là xem có bị thương hàn, tả, bệnh nhiệt đới, thứ bệnh chưa từng xảy ra trên châu lục này. Chúng tôi cũng tìm xem có dấu hiệu độc tố môi trường nào không, đại loại như chì, kim loại nặng... nhưng chẳng phát hiện ra điều gì bất thường ngoài việc con bé ấy hoàn toàn khoẻ mạnh.  - Thế công việc của cha mẹ con bé có thể nào đã khiến nó tiếp xúc với chất độc hại kỳ lạ nào đó không?  - Rất khó. Chị ta chỉ ở nhà trông con còn anh chồng là giáo sư đại học.  - Chuyên ngành sinh học phải không?  - Xã hội học đấy. Nhưng khoan hãy bàn về chuyện cơ cấu gia đình vội vì chúng ta còn điều này nữa. Một kiểu khủng hoảng khác. Khoảng sáu tuần trước, những trục trặc về ruột biến mất và thay vào đó là bất thường ở hệ thống nội tạng khác. Anh thử đoán xem là gì?  Tôi nghĩ ngợi giây lát rồi nói:  - Hệ thần kinh.  - Chuẩn xác... Stephanie cúi người và nắm lấy cánh tay tôi... Thế là tôi thấy việc gọi anh tới đây đúng đắn rồi.  - Bị lên cơn co giật ư?  - Vào đúng nửa đêm mới chết chứ. Bố mẹ con bé gọi đó là chứng động kinh ác tính, sùi cả bọt mép ra ngoài. Điện não đồ cho thấy không hề có biến động sóng não bất thường còn con bé vẫn có đầy đủ các phản xạ. Tuy nhiên, chúng tôi đã cho chụp cắt lớp, lấy dịch tuỷ và sử dụng toàn bộ các xét nghiệm X-quang não để xem con bé có khả năng bị khối u não nào không. Điều này làm tôi phát sợ, anh Alex ạ, bởi vì lúc ấy tôi suy nghĩ rằng một khối u có thể đã gây ra tất cả mọi thứ rắc rối từ trước đến nay. Một khối u mọc ở các vùng khác nhau của não sẽ gây ra những biểu hiện khác nhau khi nó phát triển.  Stephanie lắc đầu.  - Liệu đó có phải là một tình huống vui được không? Tôi đang nói tới những biểu hiện căng thẳng thần kinh ấy, biết đâu có khối u ác tính hay cái gì đó đang lớn dần trong đầu con bé thì sao?  - Ơn Chúa, tất cả các kết quả chụp chiếu đều tốt cả.  - Con bé có biểu hiện sau co giật khi cô tới gặp nó ở phòng cấp cứu không?  - Đúng là con bé có vẻ uể oải và bơ phờ. Nhưng điều đó cũng phù hợp với việc một đứa trẻ bị kéo tới bệnh viện vào lúc nửa đêm và bị đưa qua một cái máy vắt. Bản thân tôi cũng vẫn sợ rằng có điều gì đó mà mình chưa phát hiện ra. Tôi lại yêu cầu khoa Thần kinh theo dõi. Họ theo dõi liền một tháng mà không phát hiện ra bệnh gì. Hai tuần sau, tức là hai ngày trước thôi, con bé lại bị co giật, và tôi cần đến sự giúp đỡ của anh, anh Alex ạ. Ngay lúc này họ đang ở tầng 5 - khu Tây. Và đó là toàn bố sự việc được kể theo dòng thời gian. Anh đã sẵn sàng cho tôi một lời vàng ngọc chưa?  Tôi liếc nhìn qua cuốn sổ ghi chép. Rõ ràng đã liên tục xảy ra những trục trặc khó lý giải. Rất nhiều lần được đưa tới bệnh viện. Rắc rối chuyển từ hệ thống nội tạng này sang hệ thống khác. Sự khác biệt giữa xét nghiệm trong phòng thí nghiệm và biểu hiện. Đứa bé thường sợ hãi khi được điều trị. Người mẹ từng được đào tạo về sơ cứu. Người mẹ xinh xắn. Người mẹ xinh xắn cũng có thể là một con ác quỷ. Hiếm có những chẩn đoán nhưng thực tế đều phù hợp. Cho tới hai mươi năm trước, chưa ai từng được nghe tới căn bệnh này.  - Hội chứng cường điệu gần đây... Tôi nói, đồng thời đặt cuốn sổ ghi chép xuống... Nghe có vẻ đây là một vụ kinh điển đấy! Đôi mắt Stephanie nheo lại: - Đúng là như thế đấy. Khi anh là người nghe thì anh xâu chuỗi được tất cả lại như thế. Nhưng khi anh rơi vào giữa chuyện này... thậm chí tới lúc này tôi cũng không dám khẳng định điều gì.  - Cô vẫn nghĩ là có cái gì đó liên quan tới nội tạng con bé?  - Tôi buộc phải nghĩ vậy cho tới khi nào có thể chứng minh rằng mình sai. Còn một trường hợp nữa. Năm ngoái, tại County, có liền 25 ca phải nhập viện vì những bệnh truyền nhiễm kỳ bí liên tục xảy ra trong vòng sáu tháng. Cũng là một đứa bé gái, người mẹ rất lo lắng nhưng luôn giữ được bình tĩnh khiến các bác sĩ yên tâm làm việc của mình. Tình trạng đứa bé đó xấu và các bác sĩ sắp phải trình trường hợp này lên các cấp cao hơn khi phát hiện ra căn bệnh đó là bệnh suy giảm miễn dịch hiếm thấp. Có 3 ca đã được ghi nhận. Bên bảo hiểm y tế quốc gia đề nghị làm các xét nghiệm đặc biệt. Khi nghe được chuyện này, tôi cũng yêu cầu làm các xét nghiệm cho con bé Cassie để xem có nhiễm căn bệnh suy giảm miễn dịch quái quỷ đó không. Kết quả âm tính. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tôi đã nắm được hết tất cả các loại bệnh. Những bệnh mới liên tục xuất hiện, còn tôi thì không đủ thì giờ để theo dõi các tạp chí chuyên ngành... Stephanie lấy thìa khuấy cốc cà phê... Hoặc có thể tôi đang mâu thuẫn với chính mình khi cố trấn an bản thân rằng đây không phải là hội chứng Munchausen (3). Đó là lý do tại sao tôi mời anh tới đây. Tôi cần một hướng đi, anh Alex ạ. Xin anh hãy cho tôi một lời khuyên nên làm như thế nào với ca bệnh này.  Tôi nghĩ ngợi trong giây lát.  Có thể đó là hội chứng Munchausen thật, một kiểu giả bệnh trọng do rối loạn tâm lý gây ra. Đó là một kiểu nói dối bệnh hoạn rất kỳ cục, được đặt tên theo nhân vật nói dối tài ba Baron Munchausen trong cuốn sách của nhà văn Đức Rudolf Raspe. Hội chứng Munchausen là chứng nghi bệnh đi quá đà. Các bệnh nhân tạo ra bệnh bằng cách tự làm bản thân thương tích và tự đầu độc, hoặc chỉ đơn giản là nói dối. Họ muốn chơi trò với các bác sĩ và y tá, với cả hệ thống chăm sóc y tế. Những bệnh nhân trưởng thành mắc hội chứng Munchausen thường được đưa vào các bệnh viện liên tục, được cho dùng thuốc một cách không cần thiết, thậm chí bị phẫu thuật trên bàn mổ. Thật đáng thương, đó lại là một kiểu hành xác người bệnh. Hội chứng này cho đến nay vẫn còn là một câu đố về tâm lý và là một thách thức to lớn đối với sự hiểu biết của giới chuyên môn.  Nhưng điều chúng tôi đang xem xét hiện nay hoàn toàn nằm ngoài sự thương hại. Nó là một biến thể đáng sợ khác mà các bác sĩ gọi là hội chứng Munchausen thế thân. Những bậc cha mẹ, toàn là các bà mẹ thì đúng hơn, giả bệnh ở chính những đứa con họ, sử dụng thân thể của những đứa con, nhất định là con gái, để làm vật thí nghiệm sự đau đớn và bệnh tật bịa đặt đến ghê tởm của họ.  Tôi nói:  - Ngay từ ban đầu đã có nhiều trùng hợp phải không, Stephanie? Ngưng thở và ngất xỉu có thể là do bị làm ngạt. Những dấu hiệu chuyển động trên máy theo dõi có thể là biểu hiện con bé có kháng cự.  Stephanie nhăn mặt:  - Trời ạ, đúng như anh nói. Tôi đọc báo thấy nói tới một ca ở Anh người ta đã căn cứ vào những dấu hiệu chuyển động để kết luận đứa trẻ bị làm ngạt.  - Người mẹ lại là chuyên viên hô hấp thì hệ thống này sẽ là thứ đầu tiên chị ta chọn để gây rối. Vậy còn vấn đề về ruột thì sao? Phải chăng đó là một hình thức đầu độc?  - Rất có khả năng như thế, nhưng ban hội chẩn độc tố không thể tìm thấy chất gì khi xét nghiệm cả.  - Biết đâu chị ta đã dùng thứ thuốc gì đó có tác dụng ngắn. Mà cũng có thể là một chất kích thích dạng trơ tác động cơ học vào thành ruột nhưng rồi bị đào thải luôn, không nhiễm vào máu.  - Vậy còn chuyện co giật?  - Theo tôi, cũng tương tự.  - Tôi không biết gì hết, anh Alex ạ. Tôi thực sự không biết nghĩ thế nào nữa... Stephanie lại nắm cánh tay tôi... Tôi không có bằng chứng nào cả và điều gì xảy ra nếu tôi sai? Tôi cần anh thật khách quan trong chuyện này. Hãy để mẹ của Cassie được hưởng sự nghi ngờ. Có thể tôi đã đánh giá sai lầm về chị ta. Anh hãy cố tìm xem điều gì đang xảy ra trong đầu của chị ấy.  - Tôi không thể hứa trước điều kỳ diệu nào đâu, Stephanie ạ.  - Tôi hiểu. Nhưng dù anh làm được gì thì cũng sẽ rất có ích. Ca bệnh này thực sự làm cho mọi chuyện rối tung lên rồi anh ạ.  - Cô đã nói với chị ta là tôi sẽ tới khám chưa?  Cô gật đầu.  - Chị ta có thích được bác sĩ tâm lý khám không?  - Tôi không dám nói là thích nhưng mà chị ta đã đồng ý. Tôi nghĩ đã thuyết phục được chị ta bằng cách lảng tránh không nói rằng nguyên nhân các vấn đề của Cassie là do con bé chịu nhiều căng thẳng. Thật ra, tôi nghĩ chuyện con bé bị co giật đúng là có vấn đề liên quan tới phủ tạng của nó rồi chứ không sai. Nhưng tôi cứ nhấn mạnh đến việc phải giúp đỡ con bé quen với những cơn đau đớn tại bệnh viện. Tôi nói với chị ta rằng chứng co giật có thể khiến Cassie phải vào bệnh viện nhiều hơn và chúng ta sẽ giúp nó làm quen với chuyện này. Tôi nói anh là chuyên gia về vấn đề đau đớn trong điều trị, có thể làm thôi miên để con bé dễ chịu hơn trong quá trình nằm viện. Nghe có lý không?  Tôi gật đầu.  - Trong lúc khám bệnh cho con bé, anh có thể phân tích chị ta xem sao, xem có phải chị ta bị tâm thần không. Stephanie nói.  - Nếu đây là hội chứng Munchausen thế thân thì cần gì phải xem chị ta có tâm thần hay không.  - Vậy thì sao chứ? Kẻ điên kiểu gì mà lại làm chuyện này với đứa con của chính mình? - Không ai biết chính xác là gì cả... Tôi nói... Tôi đã xem qua bệnh tâm thần kiểu này, nhưng điều suy đoán hữu lý nhất được đưa ra thường cho rằng đó là một loại rối loạn tính cách tổng hợp. Vấn đề là ở chỗ những trường hợp được lưu thành hồ sơ rất hiếm, thực sự chưa có một sơ hở dữ liệu tốt về vấn đề này. - Đúng là như thế, anh Alex ạ. Tôi đã tìm khắp các nguồn tài liệu của trường y và hầu như không biết thêm được gì.  - Tôi muốn mượn cô những bài báo đó được chứ?  - Tôi đọc ngay tại chỗ, không mượn về nhà... Stephanie nói... Nhưng tôi nghĩ là đã chép lại những đoạn cần tham khảo. Đúng là tôi có nhớ tới chuyện tính cách rối loạn... Mà cái đó thì nghĩa lý gì chứ?  - Nghĩa là vì chúng ta không biết nên cứ làm bừa. Một phần của vấn đề nằm ở chỗ các chuyên gia tâm lý và tâm thần thường căn cứ vào thông tin họ có được từ bệnh nhân để đưa ra kết luận, và trước một kẻ bị hội chứng Munchausen đồng nghĩa với việc chúng ta tin một kẻ quen thói nói dối. Tuy nhiên, những câu chuyện mà họ kể lại dường như khá hợp lý. Nào là từ nhỏ đã mắc bệnh hay đau đớn về thể xác, gia đình cường điệu về vấn đề bệnh tật và sức khoẻ, sự lạm dụng trẻ em, đôi khi đó còn là sự loạn luận. Những điều này đều khiến lòng tự trọng bị giảm mạnh, gây ra những hậu quả về quan hệ, và nhu cầu bệnh hoạn muốn được mọi người chú ý. Bệnh tật trở thành vũ đài để thoả mãn nhu cầu bệnh hoạn và đó là lý do tại sao nhiều người trong bọn họ lại tham gia vào ngành Y tế. Nhưng cũng có rất nhiều người cùng lịch sử như vậy thường sẽ đưa đến những người mắc chứng bệnh Munchausen tự hành hạ bản thân mình và cả những người mắc chứng bệnh Munchausen thế thân chuyên hành hạ những đứa con của họ. Thực ra, có một vài nhận xét rằng các bậc cha mẹ mắc bệnh Munchausen thế thân ban đầu thường là những người tự hành xác rồi sau đó mới chuyển sang sử dụng thân xác của con cái họ. Nhưng tại sao và khi nào quá trình chuyển biến ấy xảy ra thì không ai biết.  - Kỳ quái quá!... Cô vừa nói vừa lắc đầu... Nó giống như một vũ điệu. Tôi cảm thấy mình đang nhảy điệu van-xơ đó với chị ta và chị ta là người dẫn bước.  - Đó là điệu van-xơ của quỷ! Tôi đáp.  Stephanie rùng mình:  - Tôi biết anh không định bàn sâu về vấn đề khoa học tự nhiên nhưng nếu anh có thể đào sâu thêm trong chuyện này thì hãy nói cho tôi biết liệu anh có cho rằng chị ta đang làm chuyện xấu xa không nhé.  - Tất nhiên rồi. Nhưng tôi hơi tò mò muốn biết tại sao cô không triệu tập khoa Tâm lý của bệnh viện tới làm việc này.  - Tôi chưa bao giờ ưa khoa Tâm lý của bệnh viện cả... Cô nói... Họ quá thiên về hành vi liên quan tới tình dục. Hardesty lúc nào cũng muốn đưa tất cả mọi người lên giường. Dù sao, đó cũng là một quan điểm còn gây nhiều tranh cãi. Với lại bệnh viện không còn khoa Tâm lý nữa.  - Ý cô là gì?  - Tất cả bọn họ đều bị đuổi việc rồi.  - Cả khoa à? Khi nào vậy?  - Mấy tháng trước. Anh không đọc báo chuyên ngành à?  - Không thường xuyên lắm.  - Rõ rồi. Khoa Tâm lý bị giải tán. Hợp đồng của Hardesty với quận đã bị huỷ và vì ông ta không viết giấy tờ chuyển đổi nên không có sự hỗ trợ về tài chính, Ban giám đốc bệnh viện đã quyết định không chi trả các khoản chi phí.  - Thế còn chức danh của Hardesty thì giải quyết thế nào? Những người khác nữa chứ. Chẳng phải Greiler và Pantissa cũng có chức danh đó sao?  - Có lẽ thế. Nhưng chức danh đó hoá ra lại là từ trường y, chứ không phải do bệnh viện phong. Vì vậy họ vẫn còn chức danh của mình. Lương lại là một chuyện khác hoàn toàn. Cuối cùng nhiều người trong chúng tôi mới hiểu thế nào gọi là sự an toàn trong công việc mà trước nay họ vẫn lầm tưởng. Không ai ủng hộ Hardesty cả. Mọi người đều nghĩ rằng ông ta và các tay chân là những người thừa.  - Vậy là không còn khoa Tâm lý, không được uống cà phê miễn phí. Còn chuyện gì nữa không? Tôi hỏi.  - Ô, còn nhiều chứ. Chuyện không còn khoa Tâm lý nữa có tác động nhiều tới anh không? Ý tôi là chuyện đặc lợi với tư cách là cộng tác viên của khoa ấy?  - Không, chức danh của tôi nằm ở khoa Nhi. Thực ra là khoa Ung thư, mặc dù đã lâu lắm rồi tôi không tư vấn cho những bệnh nhân ung thư.  - Tốt!.. Stephanie nói... Vậy là anh không gặp rắc rối gì trong vấn đề thủ tục rồi. Còn câu hỏi gì nữa trước khi chúng ta đi lên phòng không?  - Chỉ là một vài quan sát thôi. Nếu đó là hội chứng Munchausen thế thân thì cần phải gấp gáp rồi đấy. Bức tranh thường thấy là sự leo thang trong hành động của bệnh nhân. Đôi khi cái chết thường đến với những đứa trẻ, Stephanie ạ.  - Tôi biết... Cô nói vẻ rầu rĩ, hai ngón tay trỏ day mạnh thái dương... Tôi biết có thể phải đối mặt với người mẹ. Đó chính là lý do tại sao tôi phải thận trọng.  - Điều nữa là đứa con đầu lòng, một đứa bé trai. Tôi nghĩ, cô đang nghi đây có thể là một vụ giết người.  - Ôi trời, đúng như anh nói đấy. Nghi vấn này đang giày vò tôi ghê gớm. Khi sự nghi ngờ của tôi về bà mẹ bắt đầu đặc quánh lại, tôi đã lôi bệnh án của thằng bé ra và xem đi xem lại rất kỹ lưỡng. Nhưng chẳng có gì đáng phải ngờ vực cả. Những ghi chép của Rita nói chung là tốt. Trước khi chết, thằng bé đó hoàn toàn khoẻ mạnh và khám nghiệm tử thi không đi đến kết luận cuối cùng, có nhiều trường hợp như thế. Giờ đây, tôi đang có một đứa bé còn sống, còn thở hẳn hoi mà không thể làm gì để giúp nó được.  - Nghe có vẻ như cô đang làm tất cả những gì có thể.  - Tôi đang cố gắng, nhưng thật thất vọng.  Tôi trấn an:  - Còn người cha thì sao? Chúng ta chưa từng nói về anh ta.  - Tôi không thích anh ta cho lắm. Người mẹ mới là người chăm sóc chính của con bé và hầu hết thời gian tôi làm việc với chị ta. Kể từ khi tôi nghĩ tới khả năng bị hội chứng Munchausen thế thân thì chị ta dường như trở nên đặc biệt quan trọng cần phải tập trung chú ý, bởi vì chẳng phải bà mẹ luôn luôn là người bị mắc phải hội chứng đó hay sao?  - Đúng thế... Tôi nói... Nhưng cũng vẫn có trường hợp kẻ đồng loã thụ động lại là người cha. Cô có thấy biểu hiện nào chứng tỏ anh ta nghi ngờ điều gì đó không?  - Nếu có thì anh ta cũng không nói cho tôi hay. Anh ta dường như không phải là người đặc biệt thụ động, trái lại khá dễ chịu. Mà chị ta cũng thế. Cả hai vợ chồng họ đều dễ chịu, anh Alex ạ. Đó là một trong những điều gây thêm rắc rối. - Bối cảnh tiêu biểu của hội chứng Munchausen đấy. Có thể những cô y tá đã yêu quý họ.  Cô gật đầu.  - Thế còn những điều khác là gì? Tôi hỏi.  - Những điều khác nào?  - Những điều đã gây thêm rắc rối ấy.  Cô nhắm mắt rồi lấy tay dụi, một lúc sau mới đáp lời:  - Những điều khác ấy à, nghe có vẻ máu lạnh và đầy tính cách chính trị. Đó chính là con người bọn họ. Những con người có vai trò xã hội, có vai trò chính trị. Tên đứa bé là Cassie Brooks Jones, nghe có thấy quen không?  - Không... Tôi đáp... Jones là cái gì đó mà tôi không thể nhớ nổi.  - Jones, như là trong tên Charles L.Junior ấy. Nhà tài phiệt khét tiếng ấy? Giám đốc quản lý ngân sách đầu tiên của bệnh viện ấy?  - Tôi không biết anh ta.  - Cũng đúng thôi. Anh đã không đọc bản tin của bệnh viện. Này nhé, khoảng tám tháng trước, anh ta là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Rồi đã xảy ra một cú cải tổ lớn.  - Cải tổ ngân sách à?  - Còn gì khác nữa chứ. Tôi cho anh thấy phả hệ của họ đây: Con trai duy nhất của Charles Junior là Charles Đệ tam, giống như trong cung đình ấy. Anh ta thường được gọi là Chip, cha của Cassie. Người mẹ là Cindy. Đứa con trai đã mất tên là Chad - Charles Đệ tứ.  - Tất cả đều bắt đầu bằng chữ C... Tôi nói... Vẻ như họ khoái sự trật tự.  - Kệ họ. Vấn đề chính là ở chỗ Cassie là đứa cháu duy nhất của Charles con. Có thấy kỳ lạ không, anh Alex? Thế là hiện nay tôi đang có một bệnh nhân Munchausen thế thân tiềm tàng, và bệnh nhân ấy là đứa cháu duy nhất của người đã thủ tiêu chế độ uống cà phê miễn phí trong bệnh viện.  Chú thích:  (1) Điểm số đo tình trạng sức khoẻ của một đứa trẻ khi sinh ra căn cứ vào nhịp tim, khả năng hô hấp, màu da, độ căng của cơ thể và khả năng phản ứng, mỗi thứ được 2 điểm x 5 = 10 điểm  (2) Phép thử tâm lý do bác sĩ Bailey sáng tạo ra.  (3) Một sự rối loạn tâm lý khiến người ta giả ốm nặng để được điều trị hay cho vào bệnh viện.
Hết chương 2
This is the lightbox content. Close
This is the lightbox content. Close
This is the lightbox content. Close
This is the lightbox content. Close
This is the lightbox content. Close
This is the lightbox content. Close
This is the lightbox content. Close
This is the lightbox content. Close
This is the lightbox content. Close
This is the lightbox content. Close
This is the lightbox content. Close
This is the lightbox content. Close
This is the lightbox content. Close
This is the lightbox content. Close
This is the lightbox content. Close